Theo dõi trên

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

24/01/2019, 09:02

BT- Năm 2019, Bình Thuận đề ra một số giải pháp nhằm tạo sự đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đó là tập trung cụ thể hóa và triển khai mạnh, có hiệu quả nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

                
Áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau.

 Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản, đạt bình quân 3,64 %/ năm (KH 3,3 - 3,8%/năm). Về trồng trọt, đã gắn đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng. Thể hiện kết quả ở năm 2018, sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 812.130 tấn/KH 795.000 tấn, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác được trên 2.000 ha. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 10.160 ha/KH 9.800 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, tăng 6,8% so năm 2017…

Đáng chú ý thời gian qua, việc phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã được tỉnh chú trọng. Trong đó, điển hình là phát triển các mô hình liên kết sản xuất, sản xuất an toàn VietGAP. Chương trình liên kết sản xuất “4 nhà” được 1.294 ha. Cùng với đó, xây dựng hoàn thành đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận tại huyện Bắc Bình với quy mô diện tích khoảng 2.100 ha, hiện đang kêu gọi đầu tư. Chuẩn bị đưa khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công vào hoạt động. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong sản xuất tôm giống đăng ký đầu tư. Tiếp tục theo dõi, tạo điều kiện các mô hình công nghệ cao trong sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước các cây trồng chủ lực trên vùng khô hạn như thanh long, cây ăn quả…Việc phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được chú ý. Hiện sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh đã xuất khẩu tại 71 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là thủy sản. Mặt khác, thanh long - thế mạnh của địa phương đang chuyển dịch từ thị trường Trung Quốc sang nhiều thị trường mới như Ấn Độ, New Zealand, Úc, Chi Lê... Xây dựng chuỗi sản xuất thịt heo an toàn dịch bệnh quy mô 65 ha, 60.000 con heo theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới để xuất khẩu của Công ty Green Feed…

Tạo đột phá trong năm 2019

Thực tế hiện nay, việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn còn gặp khó khăn, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác việc tiếp cận, triển khai các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa thật sự chủ động, chưa tạo đột phá về cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng. Trong khi đó, thay đổi tổ chức sản xuất nông nghiệp còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với điều kiện hiện nay. Phần lớn các HTX sản xuất, kinh doanh ít gắn với thị trường, việc kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia vào chuỗi sản xuất hết sức khó khăn…

Với sự quyết tâm cao, năm 2019, Bình Thuận đã đề ra một số giải pháp nhằm tạo ra sự đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó sẽ thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và phát triển nguồn nhân lực. Xem đây là yếu tố quan trọng, đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp…

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn