Theo dõi trên

Kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay bất động sản

30/05/2022, 05:31

Anh Nguyễn Văn Dương ở phường Lạc Đạo (Phan Thiết) khá bất ngờ khi bị một ngân hàng nhà nước A. từ chối cho vay 4 tỷ đồng để mua đất.

Vốn dĩ trước đây anh đã từng vay ngân hàng A. nhiều lần để làm thêm “nghề tay trái” là kinh doanh bất động sản. Anh Dương tâm sự: Mình không thường xuyên kinh doanh bất động sản (BĐS) nhưng khi gặp lô đất hoặc căn nhà nào thích là mình đi vay ngân hàng để mua, sau đó nếu có người trả được giá bán có lời thì mình bán. Thế nhưng vừa rồi đi vay để mua khu đất ở Hàm Thuận Bắc thì nhân viên ngân hàng A. thông báo là không còn chương trình cho vay để kinh doanh bất động sản, nếu muốn vay phải làm phương án vay khác. Cũng với phương án vay làm BĐS, nhưng ngân hàng tư nhân S. cho vay với lãi suất thỏa thuận cao hơn 1,5 lần so với ngân hàng A. với lý do ngân hàng đang hạn chế cho vay với gói BĐS. Do đã đặt cọc tiền mua đất nên anh Dương đã “bấm bụng” vay ở ngân hàng S. Trường hợp như anh Dương không phải hiếm mà đã có nhiều người bị động khi vay tiền đầu tư vào BĐS. Với một số người được nhân viên tín dụng tư vấn xây dựng phương án vay vốn với mục đích khác thì vẫn vay được nhưng có người chưa biết thì vay ở một số ngân hàng thương mại tư nhân với lãi suất thỏa thuận cao hơn mức vay bình thường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực BĐS là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong thời gian qua, góp phần đảm bảo an toàn trong hoạt động, hạn chế rủi ro xảy ra với TCTD khi thị trường có biến động bất lợi. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại các Chỉ thị 01/CT-NHNN hàng năm, NHNN đều yêu cầu TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực này. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN và Thông tư số 08/2020/TT-NHNN yêu cầu các TCTD giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với lộ trình giảm dần từ 40% tại thời điểm 1/1/2021 xuống còn 30% từ 1/10/2023 đảm bảo các TCTD có thời gian, kế hoạch xây dựng lộ trình đáp ứng điều kiện cụ thể, xây dựng chiến lược phát triển hoạt động ngân hàng để các ngân hàng tiến tới đáp ứng chuẩn Basel II theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh việc chỉ đạo TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, đặc biệt là kinh doanh BĐS, phân khúc cao cấp NHNN vẫn yêu cầu các TCTD tập trung nguồn vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Theo đó, người dân có nhu cầu thực về nhà ở sẽ có điều kiện tiếp cận tín dụng tốt hơn. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng. Tín dụng được tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh nhằm góp phần hỗ trợ DN, phục hồi nền kinh tế...

Tôi đặt câu hỏi với ông Phạm Văn Trịnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, cơ quan chức năng sẽ siết tín dụng vào BĐS đến mức nào và có tính đến những hệ lụy tới nền kinh tế, nhất là việc doanh nghiệp khó triển khai dự án, khan hiếm nguồn cung, người mua nhà khó tiếp cận… hay không? Ông Trịnh cho biết: Bám sát chủ trương của Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã và đang chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện các giải pháp đồng bộ hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có tín dụng đối với kinh doanh bất động sản. Trong đó hàng năm NHNN ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN và các công văn chỉ đạo TCTD kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động của TCTD. Đối với các khách hàng có dự án/phương án kinh doanh khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ, khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở đáp ứng điều kiện vay vốn, TCTD chủ động xem xét cho vay phù hợp tình hình hoạt động của TCTD, tình hình thị trường và quy định pháp luật. Đồng thời trong chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp và cải tạo chung cư cũ cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023. Hiện nay, nghị định và thông tư hướng dẫn đang được NHNN xây dựng và ban hành trong thời gian sớm nhất…

Trên thực tế vay vốn để đầu tư BĐS vẫn “còn cửa”, các chính sách của NHNN chỉ nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản nhưng vẫn đảm bảo các khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở, phương án vay vốn khả thi trong tiếp cận vốn vay ngân hàng…

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lục bình “giăng trận”
Khi Thảo lý giải lục bình xuất hiện ở hồ Sông Dinh 3 là vì đặc thù lưu vực thượng lưu hồ này có nhiều lục bình, trôi về hồ vào mùa mưa thì anh Võ Thành Giác, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận chi nhánh ở Bắc Bình nhất thời không nói được nguyên nhân lục bình xuất hiện trên địa bàn là do đâu.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay bất động sản