Theo dõi trên

Lục bình “giăng trận”

27/05/2022, 05:22

Khi Thảo lý giải lục bình xuất hiện ở hồ Sông Dinh 3 là vì đặc thù lưu vực thượng lưu hồ này có nhiều lục bình, trôi về hồ vào mùa mưa thì anh Võ Thành Giác, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận chi nhánh ở Bắc Bình nhất thời không nói được nguyên nhân lục bình xuất hiện trên địa bàn là do đâu.

Vấn nạn… lục bình

Hàm Tân đã vào mùa mưa nhưng vùng đất vốn khô hạn này chưa tận hưởng được những trận mưa trắng trời. Thế mà, nước sông Giêng, con sông được nhận định xuất phát từ xã Tân Đức, vươn sang địa phận tỉnh Đồng Nai một đoạn trước khi thong dong quay lại Hàm Tân rồi đổ nước về hồ Sông Dinh 3, lại nhiều lên lúc nào không hay, để bây giờ, chính xác ngày 25/5/2022 này, tổng dung tích hồ đạt 16 triệu m3 nước. Và đồng thời đó, lục bình cũng đã dát kín hơn 50% diện tích mặt nước. Nhìn từ xa, cứ như một cánh đồng xanh rì bạt ngàn tiếp nối qua đồi bãi mênh mông nhiều sắc màu của vùng núi Lai. Võ Trần Đức Thảo, Trưởng trạm Khai thác công trình thủy lợi Sông Dinh buông tiếng thở dài, khiến tôi cảm nhận đó là sự bất lực trước câu chuyện lục bình trôi theo kiểu cứ mùa mưa đến, chúng lại xuất hiện mà như cách Thảo nói vui là bất chợt nhiều lên như quân Nguyên đổ bộ. Lục bình chỉ sống trong vòng 1 tuần nhưng khi lụi đi thì cứ 1 cây mất, chúng kịp gửi lại mặt nước 5-7 cây con để tiếp tục sinh sôi nảy nở. Thế nên, bây giờ, mùa mưa bắt đầu chưa bao lâu, nhưng lục bình đã phủ xanh 50 ha mặt nước hồ Sông Dinh 3, tạo ra bao mối đe dọa. Chúng bành trướng mặt hồ, lấy hết ô xy trong nước khiến các sinh vật cư ngụ trong hồ thiếu dưỡng khí, không thể sống nổi. Nguy hiểm hơn, nếu chưa kịp dọn dẹp mà mưa lũ đổ về, chúng theo dòng nước làm ách tắc tràn xả lũ. Mà một khi không đảm bảo thoát lũ trong bối cảnh mưa cứ trút thì công trình sẽ không thể an toàn.

z3443960374784_faae5e034153f648ccf1cb3b56364149.jpg

Không ai ngờ, ở vùng có tiếng khô hạn như Hàm Tân lại xuất hiện nhiều lục bình với tốc độ nhanh cứ như trên kênh rạch ở TP. Hồ Chí Minh và các ao bàu, sông suối ở các tỉnh miền Tây vốn đậm sự ẩm ướt. Và không ai ngờ hơn, ở vùng Bắc Bình, nơi nằm trong bán kính khu vực hạn nhất cả nước, thời điểm này, tại các ao bàu, tuyến kênh dẫn nước trên địa bàn bỗng ken dày lục bình và rau nhút, những “sản phẩm” vốn được xem là của vùng sông nước miền Tây. Vì thế, khi Thảo lý giải lục bình xuất hiện ở hồ Sông Dinh 3 là vì đặc thù lưu vực thượng lưu hồ này có nhiều lục bình, trôi về hồ vào mùa mưa thì anh Võ Thành Giác, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận chi nhánh ở Bắc Bình nhất thời không nói được nguyên nhân lục bình xuất hiện trên địa bàn là do đâu.

Với sự bất ngờ, anh kể rằng, lúc trước trên địa bàn Bắc Bình cũng có lục bình nhưng rải rác ở những chỗ có nước sâu. Không hiểu sao 2 năm nay, lục bình bỗng nhiều lên không ngờ và đã gây xáo trộn việc cấp nước sản xuất lẫn ảnh hưởng năng suất cây trồng của nông dân trong mùa vụ năm 2021. “Thời điểm đó, anh em báo về là trên các tuyến kênh đang bị bít kín, nhìn như ruộng đầy lục bình, rau nhút nhưng lúc ấy, không có kế hoạch vốn để dọn dẹp nên chỉ làm đại khái và theo lịch vẫn triển khai mở nước về các vùng đồng. Kết quả, nước bị nghẹt ở nhiều đoạn, phải mở nước tăng cường hơn bình thường cộng thêm điều người đi vén dọn cho nước chảy thông. Thế nhưng, ở nhiều tuyến kênh dẫn trực tiếp vào các vùng đồng cũng bị lục bình chặn nước, khiến nước về đồng muộn, làm trễ những thời khắc vàng của cây trồng để bón phân nên có ảnh hưởng đến năng suất. Bà con cử tri la quá chừng!”.

71e0061ce3726b33bbf1a41751b7779e.jpg

Mặt phải của lục bình

Như nghĩ rằng tôi không tin lắm về hậu quả mà cây lục bình vốn nhỏ nhoi mang lại, anh Giác thông tin từ đầu năm nay, chi nhánh lập kế hoạch kinh phí gửi về công ty để dọn dẹp nạn lục bình, rau nhút bủa vây trên các tuyến kênh, ao bàu. Đến cuối tháng 5 này, 2 đoạn kênh huyết mạch phủ đầy lục bình dài 11 km đi qua 2 xã Sông Bình, xã Phan Thanh đã được nạo vét bằng máy đào với kinh phí hơn 400 triệu đồng. Trong khi đó, ở hồ Sông Dinh 3, Trạm Khai thác công trình thủy lợi Sông Dinh cũng đang nóng ruột tính từng ngày với lo sợ lục bình bủa vây hết 100 ha mặt nước. Bởi điều này vốn đã từng xảy ra vào 1-2 năm trước.

“Đang chờ có kinh phí về là bắt tay ngay vào dọn lục bình, chị à” - Thảo nói thế và chỉ cho tôi xem chiếc thuyền độc đáo cắt lục bình dài 6m, ngang 2,2m với kinh phí 300 triệu đồng, đã giúp đơn vị dọn lục bình trên hồ từ tháng 10/2019 đến nay. Đây là chiếc thuyền kết hợp thiết bị phay cắt lục bình mà trạm đã mày mò gia công, lắp ráp, sửa chữa qua nhiều lần để bảo đảm phù hợp địa hình của hồ Sông Dinh 3 và phát huy hiệu quả về thời gian lẫn công sức và cả kinh phí trong dọn lục bình. “Qua báo chí, em thấy ở TP.HCM có các máy vớt lục bình với giá trị tiền tỷ. Biết là không thể nên anh em ở trạm sưu tầm các tư liệu trên internet và phải lên Lâm Đồng tìm thợ gia công thuyền. Kéo dài 3 tháng, vừa thử nghiệm trên hồ vừa sửa và con thuyền theo ước muốn cũng hình thành. Tiếp đến lại tiếp tục mày mò chế tạo lồng vớt gắn vào máy đào và phải đến chiếc lồng thứ 5 thì việc thu gom lục bình lên bờ mới tốt hơn. Cuối cùng, sáng kiến của anh em tại trạm đã giải quyết cơ bản hiệu quả nạn lục bình” – Thảo nói. Giờ thì cứ đến mùa từ tháng 5 đến tháng 12, xin kinh phí công ty cho mua dầu, nhân công… đi dọn lục bình trên hồ. Tùy thuộc vào mùa mưa lũ trong năm về nhiều hay ít, nhưng thường trên hồ Sông Dinh 3 đều phải dọn lục bình 4 lần/năm. Những đống lục bình phơi khô trên bờ hồ còn lưu lại là minh chứng cho điều ấy như Thảo nói.

Mấy năm trước, lúc thanh long có giá cao, người dân đến hồ lấy lục bình mang về tủ gốc thanh long nhộn nhịp. Nhưng năm nay thì không còn cảnh ấy. Thảo có lo lục bình sẽ chiếm diện tích bờ hồ và hơn thế thấy quá uổng phí, khi lục bình là nguyên liệu cho sản xuất phân hữu cơ rất tốt. Không chỉ Thảo, tôi cũng cảm nhận có gì đó rất lãng phí ở đây, khi phân vô cơ đang có giá quá cao, nông dân lo sản xuất sẽ không có lời. Rồi nữa, trên địa bàn thị xã La Gi, cách hồ Sông Dinh khoảng 20 km có nhà máy xử lý rác, đang sản xuất được mùng rác, một nguyên liệu có thể phối hợp với lục bình tạo ra phân hữu cơ để cải tạo đất tơi xốp, giúp rễ cây phát triển. Thế mà, ngay ở đây và lúc này đang bỏ ngỏ. Những nhà tâm huyết vì nền nông nghiệp sản xuất bền vững đang ở đâu?

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội môi trường công nghiệp Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sạch (Bộ Công Thương) cũng ngạc nhiên khi nghe hồ Sông Dinh 3 và một số tuyến kênh trên địa bàn tỉnh xuất hiện dày lục bình, chuyện vốn chỉ xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Ông cho biết, đó là điều thuận lợi để cho các HTX trên địa bàn có thể tham gia sản xuất phân hữu cơ, vì chỉ cần khoảng đất rộng vài trăm m2, có che chắn cùng đầu tư máy băm lục bình rồi trộn phân chuồng hoặc mùng rác, sau phun chế phẩm sinh học, ủ khoảng 1 tháng là có phân để bón cho cây trồng. Đây được xem như phân nền nên tùy từng giai đoạn phát triển của cây trồng sẽ tăng cường thêm lân, kali... giúp cây trồng đạt năng suất cao, cải tạo đất tơi xốp và góp phần giảm chi phí sản xuất cho nông dân.

PHÓNG SỰ: BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X): Chính sách tam nông hiệu quả và hy vọng
Nghị quyết số 26 ngày 5/8/2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết), Nghị quyết đã xác định: “Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lục bình “giăng trận”