
Điều chỉnh linh hoạt thời gian phát biểu tại kỳ họp Quốc hội
Tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội và các tài liệu liên quan, đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn Bình Thuận thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71 để phù hợp với các luật, nghị quyết vừa được ban hành vừa qua; đặc biệt là nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 27, Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Góp ý cụ thể về sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản tại Điều 18 (khoản 12 Điều 1 dự thảo): Điểm b khoản 12 (sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3) quy định: Đại biểu Quốc hội phát biểu lần thứ nhất không quá 5 phút, phát biểu lần thứ hai không quá 3 phút; đại biểu cho rằng, quy định này nhằm nâng cao hiệu quả phiên họp, tạo điều kiện cho nhiều đại biểu được phát biểu là cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh việc rút ngắn thời gian có thể ảnh hưởng đến chất lượng thảo luận và tranh luận; bên cạnh đó, thực tiễn tại các phiên thảo luận tại hội trường vừa qua có một số nội dung số lượng đại biểu đăng ký thảo luận không nhiều; do đó đại biểu kiến nghị sửa đổi quy định trên theo hướng linh hoạt hơn, cụ thể: dùy trì mức 7 phút cho phát biểu lần đầu, chỉ áp dụng 5 phút khi phiên thảo luận có nhiều đại biểu đăng ký (ví dụ: có trên 30 đại biểu đăng ký thảo luận).
Về sửa đổi, bổ sung Điều 50 (khoản 17 Điều 1 dự thảo): Nội dung khoản 6 Điều 50, Dự thảo đưa ra hai phương án về trình tự tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Qua nghiên cứu đại biểu cho rằng mỗi phương án đều có ưu, khuyết điểm riêng; đại biểu kiến nghị chọn Phương án 1, vì phương án này bảo đảm hài hòa giữa tính chủ động, trách nhiệm của cơ quan trình với vai trò giám sát, điều phối của Quốc hội; đảm bảo phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời giữ đúng nguyên tắc phân quyền trong quy trình lập pháp.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, tránh quy định quá chi tiết, tiếp tục rút gọn các quy định thủ tục tại kỳ họp; đảm bảo sự chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, có thể điều chỉnh khi cần thiết như tại kỳ họp.
Cần điều chỉnh hiệu lực không gian để phù hợp chuyển đổi số
Thảo luận tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Hồng Yến bày tỏ sự nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh khoản 2 Điều 54 của dự thảo luật – liên quan đến hiệu lực không gian của văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đại biểu, hiện tại khoản 1 Điều 54 không sửa đổi, nhưng khoản 2 lại quy định rằng: Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ở đơn vị hành chính nào thì có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính đó và phải được quy định cụ thể trong văn bản. Đây là nội dung có thể mâu thuẫn với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phục vụ người dân, doanh nghiệp không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Dẫn Nghị quyết số 57 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến nhấn mạnh tinh thần rõ ràng của Đảng là cần xây dựng mô hình nhà nước phục vụ – kiến tạo phát triển. “Không nên chỉ vì yếu tố địa giới hành chính mà giới hạn hiệu lực pháp lý của các dịch vụ công do nhà nước cung cấp, trong khi người dân và doanh nghiệp cần được phục vụ đồng bộ, toàn trình, bất kể vị trí cư trú hay hoạt động sản xuất kinh doanh”, đại biểu phân tích.
Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ khoản 2 Điều 54 để có thể quy định lại theo hướng mở rộng, phù hợp hơn với chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, chuyển đổi số quốc gia, đồng thời bảo đảm tinh thần phục vụ và kiến tạo phát triển thể hiện ngay trong hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu lấy ví dụ thực tiễn: Việc cung cấp dịch vụ công như đăng ký khai sinh, học hành hay các thủ tục hành chính khác cần vận hành như dịch vụ ngân hàng thương mại – người dân có thể giao dịch thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi. “Ngay lập tức nếu chúng ta vẫn áp dụng theo địa giới hành chính thì những lợi ích thiết thực của người dân và doanh nghiệp sẽ khó được bảo đảm. Tôi xin trân trọng góp ý về hiệu lực không gian trong dự thảo luật để làm rõ và hiện thực hóa định hướng lớn của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay”, đại biểu nhấn mạnh.