Theo kế hoạch phối hợp, hai bên thống nhất tổ chức tập huấn, hội thảo tối thiểu mỗi năm một lần nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của các tăng ni, phật tử và các tầng lớp nhân dân tham gia đẩy mạnh hoạt động phóng sinh, tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phong trào thả giống tái tạo.
Hàng năm, vào các ngày lễ như rằm tháng Giêng, lễ Phật đản, lễ Vu lan, ngày cúng ông Công ông Táo, ngày truyền thống ngành thủy sản sẽ tổ chức hoạt động thả phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản. Địa điểm thả giống trên các hồ chứa, lưu vực sông, biển, rừng ngập mặn… tùy vào đặc thù môi trường sẽ thả những loài thủy sản phù hợp.
Về hình thức tuyên truyền, vận động, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh soạn thảo, in ấn, cung cấp các tư liệu, thông tin tuyên truyền gồm tài liệu pháp luật thủy sản, tờ rơi, bản đồ… Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động phật tử cam kết không đánh bắt, giết, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm. Phát động phong trào chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm nâng cao ý thức trong các cấp của Giáo hội phật giáo…
Được biết, theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT, nhân kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4/1959 -1/4/2023), Sở sẽ tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, thực hiện trên tinh thần xã hội hóa, không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Cụ thể, đối tượng thả tái tạo nguồn lợi vào khu vực hồ là 60.000 con cá nước ngọt phổ biến. Ngoài ra, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên biển khoảng 500.000 con tôm sú giống và 1.000 con cá mú, dự kiến được tổ chức vào ngày 1/4/2023.