Năm 1923, khi tròn 16 tuổi, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sang học tại Trường Thành chung Nam Định. Tại đây, đồng chí đã kết thân với nhiều bạn học có lòng yêu nước, trong đó có Đặng Xuân Khu (sau này lấy tên là Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1920, đồng chí rời Trường Thành chung lên Hà Nội làm công nhân nhà in Mạc Đình Tư. Tại Hà Nội, đồng chí được bạn bè giúp đỡ, gia nhập đội ngũ công nhân - từ đây, Nguyễn Đức Cảnh càng hiểu sâu sắc về giai cấp công nhân, về những nỗi bất công thống khổ mà họ gánh chịu. Tháng 6/1927, đồng chí được cử sang Quảng Châu (TrungQuốc) dự lớp chính trị của Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lên lớp. Qua học tập, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh càng hiểu sâu sắc hơn về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Tháng 2/1928, đồng chí được Kỳ bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội cử làm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên cách mạng Hải Phòng.
Cuối năm 1928 phong trào đấu tranh cách mạng đã khá mạnh ở cả Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết tập tài liệu 16 trang với tiêu đề “Tổ chức công hội” nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, tài liệu đã được tổ chức bí mật in ấn lưu hành trong công nhân. Ngày 28/9/1928, lần đầu tiên tại Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên cách mạng Bắc kỳ ở Hà Nội, vấn đề đưa cán bộ đi “vô sản hóa” được đặt ra và được coi là biện pháp thích hợp để tuyên truyền giáo dục quần chúng, xây dựng tổ chức cách mạng trong công nhân. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Ngô Gia Tự đã đề xuất nhiều ý kiến xác đáng về chủ trương này.
Sang năm 1929, phong trào cách mạng dấy lên rộng khắp – từ đó yêu cầu khách quan đặt ra là phải có một tổ chức cao hơn để ngang tầm với sự đòi hỏi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc chính là Đảng Cộng sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đầu tháng 3/1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở nước ta được thành lập, gồm 7 đồng chí (Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Tuần Chung, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu…). Tiếp đó, ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập với sự đóng góp tích cực của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đồng chí tham gia Ban Chấp hành lâm thời, trực tiếp chỉ đạo tổ chức Công hội Đỏ. Ngày 28/7/1929, tại Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Tổng Thư ký và phụ trách tờ báo “Lao động” và tạp chí “Công hội đỏ”.
Tại Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 3/2 đến 7/2/1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ và trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Tháng 4/1930, đồng chí tổ chức đón, bảo đảm an toàn Tổng Bí thư Trần Phú về khảo sát phong trào công nhân Hải Phòng và đóng góp ý kiến thực tiễn giúp đồng chí Trần Phú khởi thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Tháng 5/1930, đồng chí được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Cuối tháng 10/1930, đồng chí được Trung ương cử vào tham gia Xứ ủy Trung Kỳ. Hội nghị toàn thể Xứ ủy đã bầu đồng chí vào Ban Thường vụ Xứ ủy và phân công phụ trách công tác tuyên huấn. Ngày 9/4/1931, sau cuộc họp quan trọng của Xứ ủy Trung kỳ tại thành phố Vinh về, đồng chí đã bị địch bắt tại làng Yên Dũng Hạ.
Cuối tháng 4/1931 bọn địch đã giải đồng chí ra Hỏa Lò (Hà Nội), dùng mọi cách tra tấn dã man nhưng với chí khí kiên cường của người cộng sản, bọn địch không lấy được lời khai nào.
Những ngày cuối cùng trong xà lim án chém, đồng chí đã viết tài liệu “Công nhân vận động” cùng nhiều tài liệu quan trọng. Đây là những đóng góp to lớn của đồng chí vào kho tàng lý luận cách mạng của Đảng ta, góp phần lãnh đạo sự nghiệp cách mạng từng bước thắng lợi.
Không khuất phục nổi ý chí kiên cường của người cộng sản kiên trung, kẻ thù đã kết án tử hình đồng chí. Trước khi đi xa, Nguyễn Đức Cảnh đã viết bài thơ “Tạ từ ngôn” là lời vĩnh biệt gửi về cho mẹ và cho quê hương.
Từ ngày 15 đến 17/11/1931, trước phiên tòa của thực dân Pháp ở Hà Nội, Nguyễn Đức Cảnh và nhiều chiến sĩ cộng sản khác đã biến “vành móng ngựa” thành diễn đàn lên án bọn thực dân đế quốc. Tòa án thực dân Pháp đã xử Nguyễn Đức Cảnh án tử hình. Khi tên chánh án thực dân Busê hỏi ông có muốn xin Tổng thống Pháp ân xá án tử hình không, Nguyễn Đức Cảnh nói: “Đánh đuổi quân cướp nước, giành độc lập cho Tổ quốc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam đâu phải là có tội? Đã không có tội, ta cần gì xin ân xá!”. Ngày 31/7/1932, thực dân Pháp đã hèn hạ xử chém đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và một người chiến sĩ cộng sản khác tại nhà lao Sông Lấp - Hải Phòng khi đồng chí vừa tròn 24 tuổi.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta. Đồng chí đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng, thành lập Tổng Công hội Bắc Kỳ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam. Đồng chí là người sáng lập và cũng là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Hải Phòng và Khu mỏ Hòn Gai. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và một số người khác quyết tâm thành lập một chính Đảng của giai cấp công nhân, làm đội tiên phong giai cấp, đủ sức lãnh đạo và đáp ứng những yêu cầu của phong trào cách mạng. Để thực hiện quyết định quan trọng đó, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự đã tích cực vận động cho việc thành lập Đảng Cộng sản. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng, đặc biệt là của giai cấp công nhân; cổ vũ và đưa phong trào phát triển lên một bước mới trên diện rộng và chiều sâu, nhất là ở Bắc kỳ.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những cán bộ tuyên huấn đầu tiên của Đảng ta với nhiều đóng góp xuất sắc. Đồng chí là một trong những người có công đầu trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào quần chúng cách mạng trong nước; tham gia sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Đồng chí cũng là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về giai cấp công nhân và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân nước ta.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước nồng nàn, sự giác ngộ chủ nghĩa cộng sản sâu sắc; đồng chí đã nêu tấm gương cao đẹp về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất đạo đức trong sáng, cao cả của người cộng sản chân chính; trọn đời cống hiến, chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Huỳnh Thái Dương