Theo dõi trên

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN (2& 5/8/1964 – 2& 5/8/2024): Mốc son có ý nghĩa quan trọng

05/08/2024, 05:05

Nhằm cứu vãn sự thất bại không thể tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới và mở cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, nơi mà chúng cho là “gốc rễ”, là hậu thuẫn của cách mạng miền Nam, để triệt tiêu công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và sự giúp đỡ của các nước cho cách mạng Việt Nam.

“Mở Hội nghị Diên Hồng”

Trước mưu đồ và dã tâm của kẻ địch, thực hiện chủ trương của Đảng, để chủ động bảo vệ miền Bắc, ngày 9/1/1964, Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị phòng không nhân dân toàn miền Bắc lần thứ nhất để bàn các biện pháp đánh bại các cuộc tập kích của máy bay địch.

Ngày 27-28/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt. Hội nghị này được coi như “Hội nghị Diên Hồng” của dân tộc trong thời đại mới. Sau khi nghe và thảo luận báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, toàn thể hội nghị đã biểu thị sự đoàn kết nhất trí xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

tau.jpg
Tàu chiến đấu của Hải quân đánh đuổi máy bay Mỹ tại Lạch Trường (Thanh Hóa) ngày 5/8/1964.Ảnh tư liệu.

Khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh

60 năm đã trôi qua nhưng những hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Hải quân cùng quân dân miền Bắc dũng cảm trong chiến đấu vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi chúng ta. Trước kẻ thù mạnh hơn, đông hơn, thủ đoạn thâm độc hơn, chỉ với những con tàu nhỏ bé (trọng tải chưa đầy 30 tấn) nhưng bộ đội Hải quân với ý chí quyết tâm “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” đã mưu trí, gan dạ, kiên quyết tiến công tàu địch. Đêm 31/7, rạng sáng ngày 1/8/1964, tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ xâm phạm vào vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía Bắc, điều tra các mạng lưới bố phòng của ta ở khu vực đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường. Có nơi tàu này đi cách bờ chỉ khoảng 6 hải lý, vòng đi vòng lại nhiều lần để quan sát thăm dò lực lượng và sự bố phòng của ta. Tất cả các hành động trên của tàu Ma-đốc Mỹ đều bị các đơn vị ra đa, quan sát mắt của ta theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo cáo lên cấp trên.

Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 135 khẩn trương làm công tác chuẩn bị, đảm bảo mọi mặt và tiến hành lắp ngư lôi cho Phân đội 3 để sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu. 13 giờ 30 phút ngày 2/8, tàu khu trục Ma-đốc Mỹ xâm phạm vào khu vực Hòn Mê - Lạch Trường, cách Hòn Mê 9 hải lý. Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tàu tuần tiễu xuất kích. Tiếp theo tàu 336, tàu 333 tiếp cận vào vị trí công kích ngư lôi. Với tinh thần quyết tâm chiến đấu đến cùng, Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Bột đã chỉ đạo pháo thủ 14,5 mm bắn quét lên mặt boong tàu địch và tiếp tục cho tàu cơ động rút ngắn khoảng cách, khi vào đến vị trí công kích ở góc mạn phải tàu địch, cự ly 6 liên thì phóng ngư lôi; sau đó vừa rời khu vực tác chiến vừa tiếp tục bắn quét lên mặt boong tàu địch. Tàu Ma-đốc của địch bốc khói, không phát hỏa nữa và chuyển hướng tháo chạy ra vùng biển quốc tế.

Sau 9 năm xây dựng, đây là trận đầu tiên Hải quân nhân dân Việt Nam ra quân chiến đấu trực tiếp với tàu chiến lớn và nhiều máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ. Với số lượng tàu ít và nhỏ bé, chỉ có ba tàu phóng lôi, còn nhiều hạn chế về tính năng kỹ thuật, lại trong tình huống chiến đấu hoàn toàn độc lập, không có lực lượng hỗ trợ, nhưng cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng kiên cường tiến công tàu khu trục và đánh trả máy bay của địch; khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”

Ngay sau khi tàu Ma-đốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta trong ngày 2/8/1964, thì đêm mồng 4/8/1964, bọn đầu sỏ trong chính quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” lấy cớ để mở chiến dịch “trả đũa” mang tên “Mũi tên xuyên”. Ngày 5/8, chúng sử dụng tối đa lực lượng máy bay ở hai biên đội tàu sân bay Constellation và Ticonderoga gồm hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt bất ngờ tấn công gần như cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của hải quân ta suốt dọc ven biển từ Cảng Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh), hòng tiêu diệt lực lượng hải quân của ta, mở đầu kế hoạch chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta mà chúng đã vạch sẵn từ trước.

12 giờ 20 phút ngày 5/8, 8 chiếc máy bay phản lực cường kích của địch loại F8U, AD4, AD6 chia thành 2 tốp bay thấp trên biển, làm cho ra đa của ta khó phát hiện, rồi đột nhập Cửa Sót (huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh). Các tàu của Phân đội 5 và Phân đội 7 Hải quân đã báo động kịp thời, nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu, đánh trả máy bay địch. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt. Tàu 187 của Khu tuần phòng 2 Hải quân phối hợp với các trận địa pháo cao xạ bắn rơi chiếc máy bay thứ 2 xuống biển cách Đông Nam Hòn Mát 2km.

16 giờ 40 phút ngày 5/8, tốp 8 chiếc máy bay địch tiếp tục đánh phá khu vực Vinh – Bến Thủy lần thứ 2. Các tàu Hải quân cùng với lực lượng pháo cao xạ và dân quân tự vệ đánh trả địch quyết liệt. Sau 10 phút bắn phá, gặp phải lưới lửa phòng không dày đặc của ta, địch phải tạm ngừng việc dùng không quân đánh phá.

Cùng thời điểm đánh phá Vinh – Bến Thủy, lúc 12 giờ 30 phút, địch dùng 8 chiếc F8U bay từ phía biển vào đèo Ngang chia làm 2 tốp, một tốp lao xuống oanh tạc các căn cứ Hải quân của ta ở cửa Sông Gianh, Mũi Ròn, bắn tàu đo đạc 527 của Hải quân đang làm nhiệm vụ ở Cửa Ròn, một tốp khác vòng theo dãy Trường Sơn lên thượng nguồn sông Gianh rồi lao xuống bắn phá cảng Gianh.. Sau 25 phút chiến đấu, bộ đội ta đã bắn cháy 1 máy bay rơi xuống biển phía Đông Nam Cửa Gianh và bắn bị thương 1 chiếc khác.

Lúc 16 giờ 18 phút, địch cho 11 chiếc máy bay F8U lao vào bắn phá cảng Gianh lần thứ hai. 6 chiếc lao xuống công kích tàu T175 ở Hòn La; 5 chiếc khác lao vào đánh phá cảng Gianh. Các tàu trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đã kịp thời nổ súng, ngay loạt đạn đầu đã bắn cháy 1 chiếc máy bay địch. Ở Hòn La, cán bộ, chiến sĩ tàu T175 chiến đấu đánh trả 6 máy bay địch rất dũng cảm. Tàu bị trúng đạn bốc cháy, nước tràn vào khoang, một số đồng chí hy sinh, Thuyền trưởng bị thương nặng, nhưng tất cả vẫn kiên cường bám vị trí vừa chiến đấu vừa cứu chữa tàu, điều khiển cơ động tàu vào được bờ kịp thời.

14 giờ 40 phút, một tốp 8 chiếc máy bay từ hướng biển Long Châu lao vào ném bom, bắn rốc két tấn công các tàu của hải quân ta đang neo đậu ở Cửa Lục. Các tàu ta vừa chiến đấu vừa cơ động ra vịnh Hạ Long để lợi dụng sự che chắn của các núi đá để làm giảm hiệu quả chiến đấu của địch. Các tàu săn ngầm thuộc Khu tuần phòng 1 và căn cứ Hải quân Bãi Cháy đã phối hợp với Tiểu đoàn phòng không 217 và lực lượng phòng không của tự vệ, công an địa phương bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái, Trung úy Alvarez. Trận chiến đấu ở khu vực Hòn Gai - Bãi Cháy kết thúc lúc 15 giờ 05 phút.

Mốc son tự hào

Khi Mỹ ồ ạt đánh phá bằng không quân, quân và dân ta đã bình tĩnh, dũng cảm, ngoan cường giáng trả những đợt tiến công của chúng cho dù có phải hy sinh. Những chiến công phi thường ấy đã được ghi công kịp thời, động viên, khích lệ tinh thần quân dân miền Bắc trong giai đoạn khốc liệt mà đế quốc đã sắp đặt.

Ngày 7/8/1964, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ tuyên dương công trạng của bộ đội Hải quân và Phòng không-Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và khen ngợi: “Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay của Mỹ và bắn hỏng ba chiếc... Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt”. Một năm sau đó, ngày 5/8/1965, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Chiến thắng trận đầu, Bác Hồ đã gửi thư khen bộ đội Hải quân: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, Hải quân đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc...”.

Ngày 2 và 5/8/1964 trở thành một mốc son có ý nghĩa quan trọng, tự hào trong lịch sử của quân và dân miền Bắc và lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Đây là “Chiến thắng trận đầu” của Hải quân nhân dân Việt Nam đồng thời cũng là Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

TÒA SOẠN (TRÍCH GIỚI THIỆU)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh: Khai mạc Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi năm 2024
Sáng 3/8, Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức khai mạc Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi năm 2024.
Nổi bật
Thêm một lần đau
Cuộc họp báo trước trận đấu giữa Fury và Usyk đã diễn ra đầy kịch tính, kết thúc bằng màn "lườm nhau" dài nhất lịch sử quyền Anh: 12 phút. Bất phân thắng bại trong “cú lườm thế kỷ, song sau 12 hiệp thi đấu, phần thắng vẫn tiếp tục nghiêng về Usyk và Tyson Fury lại thêm một lần “nếm trái đắng”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN (2& 5/8/1964 – 2& 5/8/2024): Mốc son có ý nghĩa quan trọng