Theo dõi trên

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021): Thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta

21/10/2021, 06:31 - Lượt đọc: 24

BT- “Đường Hồ Chí Minh trên biển – kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” là chủ đề Hội thảo khoa học do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và thành phố Hải Phòng tổ chức. Hội thảo được kết nối trực tuyến tới 26 điểm cầu các quân khu, Bộ Chỉ huy Quân sự, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Ảnh tư liệu

Tầm nhìn chiến lược

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương), ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập với nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược trên bộ và trên biển cho miền Nam. Đến tháng 7/1959, Tiểu đoàn 603 trực thuộc Đoàn 559 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1959, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên vào chiến trường Khu V nhưng không thành công, do vậy Tổng Quân ủy quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động để tìm phương án mới.

Từ giữa năm 1961, trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử các thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả làm tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những chuyến thuyền vận chuyển thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Lực lượng của đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra. Cuối năm 1961, đề án Công tác của đoàn đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thông qua.

Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 23/10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759, tiền thân là Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

 Lập nhiều chiến công

Từ khi mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Đoàn 759 đã lập được những chiến công hiển hách, góp phần giúp cách mạng nước ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác: Trong giai đoạn 1962 - 1965, với phương châm “Táo bạo - bí mật - bất ngờ” đã vận chuyển chi viện chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Giai đoạn 1965 - 1972, vượt qua thử thách ác liệt, khắc phục khó khăn, tiếp tục vận chuyển chi viện cho chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Giai đoạn 1973 - 1975, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng” trong 80 ngày đêm, cùng nhiều lực lượng khác, đoàn đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Giai đoạn 1975 đến nay, đoàn vẫn tiếp tục tham gia vận chuyển, chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang.

Với những thành tích xuất sắc, nhiều tập thể, cá nhân của Đoàn 759 đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều huân, huy chương: Tháng 9/1963, Đoàn 759 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai; Tàu 41 được tặng Huân chương Quân công hạng Nhất; các tàu 43, 54, 55 và 56 được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Tổng kết đợt hoạt động “Chiến dịch CQ-88” (năm 1988), Lữ đoàn 125 có 2 tập thể: Tàu HQ 505, tàu HQ 931 và 1 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lữ đoàn 125 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất (năm 2011), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2016) và nhiều phần thưởng cao quý khác...

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển trong bối cảnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam trên biển đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Do đó, Quân chủng Hải quân nói chung, Lữ đoàn 125 nói riêng phát huy truyền thống vẻ vang; tiếp tục vận dụng sáng tạo và phát triển những bài học kinh nghiệm của đường Hồ Chí Minh trên biển vào điều kiện mới, xây dựng lực lượng vận tải - chiến dịch trên biển. Nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, tận dụng mọi thời cơ, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đẩy mạnh xây dựng Lữ đoàn và Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021): Thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta