Theo dõi trên

Kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4/1959 – 1/4/2021): Chuyển đổi nghề cá phát triển bền vững

01/04/2021, 08:59

BT- Bình Thuận đang hướng đến mục tiêu đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn về khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp sản xuất giống hải sản. Thời gian qua ngành thủy sản đã có bước phát triển nhanh, vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của tỉnh. Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận xung quanh vấn đề này.

                
Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi    cục Thủy sản Bình Thuận.

Ông có thể khái quát lợi thế, tiềm năng của thủy sản Bình Thuận?

Thủy sản là ngành nghề truyền thống, có rất nhiều lợi thế nhiều năm nay. Với đường bờ biển dài 192 km, diện tích ngư trường gần 60.000 km2, sản lượng khai thác hàng năm hơn 190.000 tấn hải sản các loại, Bình Thuận được đánh giá là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm quốc gia. Vì thế, ngành thủy sản góp phần tỷ trọng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Mới đây, việc ban hành Luật Thủy sản năm 2017 là bước định hướng cơ bản cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng. Đây là bước chuyển vô cùng quan trọng từ nghề cá nhân dân thành nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm theo đúng hội nhập quốc tế. Qua đó, chúng ta đang tiến hành xây dựng một loạt các quy định, những phương thức quản lý mới trong nghề cá để đảm bảo quản lý chặt chẽ nghề cá Việt Nam thời gian tới. Ngoài lợi thế lớn về ngư trường, ngư dân Bình Thuận còn có nhiều kinh nghiệm trong quá trình tổ chức, khai thác thủy sản. Qua từng năm, đội tàu công suất lớn của tỉnh tiếp tục gia tăng về số lượng, công suất, trở thành đội tàu chủ lực của tỉnh trên vùng biển khơi, đóng góp quan trọng về sản lượng cũng như giá trị sản phẩm.

Được xem là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, ngoài sản lượng hải đặc sản dồi dào, ông có thể đánh giá thế mạnh khác của tỉnh, đặc biệt là tôm giống?

Ngoài thế mạnh về nguồn lợi và khai thác thủy sản, Bình Thuận còn có lợi thế rất quan trọng là sản xuất và tiêu thụ tôm giống. Về năng lực, Bình Thuận cung ứng khoảng 50% nhu cầu tôm giống của cả nước. Đặc biệt, tôm giống Bình Thuận vốn nức tiếng cả nước về chất lượng cũng như về các hình thức hoạt động liên quan. Phát huy lợi thế này, ngành nông nghiệp đã nhận được sự quan tâm rất lớn của tỉnh trong các chủ trương chính sách, định hướng phát triển của ngành nghề. Trong các định hướng phát triển kinh tế tỉnh, đều nêu rõ vai trò và giá trị của việc sản xuất và cung ứng tôm giống. Hiện Bình Thuận có hơn 140 cơ sở sản xuất tôm giống, đang được theo dõi, giám sát tốt quá trình hoạt động cũng như công tác kiểm dịch. Tỉnh cũng đã có chủ trương lớn xây dựng khu sản xuất giống thủy sản tập trung ở xã Chí Công (huyện Tuy Phong), giúp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu sản xuất tôm giống có điều kiện tốt nhất để triển khai hoạt động. Đến nay, khu sản xuất giống thủy sản đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang kêu gọi các nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào đầu tư sản xuất theo quy mô công nghiệp, nhằm cung ứng giống tôm chất lượng cao. Khi khu sản xuất giống thủy sản tập trung này được lấp đầy, sẽ phát huy tiềm lực rất lớn, nâng cao chất lượng lẫn số lượng tôm giống Bình Thuận, đủ đáp ứng nhu cầu của cả nước.

Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng, ông có thể chia sẻ thêm về những khó khăn này cũng như đề xuất những giải pháp cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản thời gian đến?

Tình hình nguồn lợi thủy sản suy giảm trong cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng là hệ quả tất yếu của việc triển khai, quản lý nghề cá của cả nước theo nghề cá nhân dân trong một thời gian khá dài. Do vậy, ngư dân phát triển ngành nghề cũng như hình thức khai thác thiếu những quy định cụ thể, chi tiết. Vì thế, ngành nông nghiệp đang từng bước có những định hướng phát triển nghề cá bền vững, khai thác nghề cá có trách nhiệm, trong đó có đưa ra những giải pháp chống suy giảm nguồn lợi thủy sản. Bình Thuận là tỉnh đã triển khai các giải pháp khá sáng tạo và hiệu quả. Là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng mô hình quản lý cộng đồng, nghĩa là giao vùng biển ven bờ cho cộng đồng ngư dân tự tổ chức, quản lý và khai thác làm sao để nguồn lợi ven bờ được gìn giữ và phục hồi. Hiện nay, mô hình này được thí điểm thực hiện tại huyện Hàm Thuận Nam với 3 xã tham gia, trong đó có xã đã triển khai từ năm 2013 đem lại nhiều kết quả thiết thực. Và mô hình điểm này được chọn làm căn cứ thực tiễn xây dựng chính sách, được thể hiện rõ trong điều 10 của Luật Thủy sản 2017. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đang xây dựng và đề xuất các mô hình đối với vùng hạn chế khai thác, vùng bảo tồn, vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đang trình UBND tỉnh ban hành trong quy chế đặc thù của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các vấn đề nổi cộm như giã cào bay, sử dụng chất nổ, sử dụng kích điện… Tất cả những giải pháp này được ngành thủy sản triển khai đồng bộ từ nhiều năm nay.

Những năm gần đây, nguồn lợi hải đặc sản của tỉnh có suy giảm, tuy nhiên mức độ suy giảm được khống chế, là nhờ các ngành nghề khai thác từng bước được tỉnh quản lý, hạn chế tốt. Bình Thuận là một trong những tỉnh thực hiện rất tốt việc quản lý nguồn lợi hải đặc sản, quản lý nghề nghiệp khai thác cũng như ban hành một số quy định đối với những nghề mang tính xâm hại như lưới kéo, giã cào bay… Không chỉ vậy, việc đầu tư cho khai thác đã có những chuyển biến tốt, số lượng tỷ trọng tàu thuyền có công suất lớn vươn khơi ngày một tăng, đảm bảo định hướng khai thác vùng khơi, giảm bớt khai thác vùng bờ; đồng thời phát triển một số ngành nghề mang tính thân thiện môi trường, khai thác bền vững.

Thời gian tới, để ngành thủy sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Bình Thuận cần làm gì để phát huy thế mạnh của địa phương?

Để ngành thủy sản lấy lại vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, ngành chức năng phải quy hoạch, định hướng hàng loạt công tác về nuôi trồng thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các phương pháp về tuần tra kiểm soát. Ngành đã tham mưu UBND tỉnh về đề án củng cố lực lượng kiểm ngư, đề án quản lý nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề án quản lý các cảng cá trong tỉnh. Ngoài ra, ngành đã đề xuất nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng cá trên địa bàn tỉnh vì hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đối với các tàu cá bốc dỡ sau thu hoạch, chưa đủ năng lực neo đậu, tránh trú bão.

 Để tiếp tục phát huy lợi thế của tỉnh về nuôi trồng thủy sản, ngành tiếp tục triển khai, xây dựng khu sản xuất giống thủy sản tập trung đúng tầm cỡ và vị trí, đảm bảo sản xuất con giống tốt nhất. Đồng thời, phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, tận dụng tốt nguồn nguyên liệu, nâng cao giá trị khai thác thông qua biện pháp hỗ trợ kỹ thuật trong công tác bảo quản, xây dựng chuỗi liên kết giữa nhà máy chế biến và đội tàu khai thác…

Xin cảm ơn ông!

Minh Vân (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4/1959 – 1/4/2021): Chuyển đổi nghề cá phát triển bền vững