Bí thư Tỉnh ủy thăm và động viên cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. |
Nghề chính thức
Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Bắt đầu từ năm 2010, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020, đã chính thức công nhận một ngành nghề mới ở Việt Nam – nghề CTXH. Triển khai đề án, 8 năm qua, nghề CTXH tại tỉnh được nhìn nhận là một ngành nghề chính thức. Điều này thể hiện rõ qua mạng lưới cán bộ, công chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH được tỉnh quan tâm. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển nhân viên CTXH tác các cơ sở trợ giúp xã hội. Song song, để phát huy tinh thần trách nhiệm và nâng cao năng lực công tác trong việc chăm sóc, trợ giúp các đối tượng xã hội, sở phối hợp mở các lớp trung cấp nghề CTXH hệ vừa học vừa làm; bồi dưỡng kiến thức nghề CTXH; cử cán bộ của sở đi học thạc sĩ CTXH... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận và Trường Trung cấp nghề kỹ thuật Công đoàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề hệ trung cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội về phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh đang có số lượng khá lớn những đối tượng có nhu cầu cần trợ giúp xã hội. Theo thống kê mới đây của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 1.100 người cần trợ giúp xã hội. Trong khi đó, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, trợ giúp cho đối tượng. Hầu hết các cơ sở trợ giúp xã hội có chức năng chủ yếu là nuôi dưỡng tập trung các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu các dịch vụ phát hiện sớm, trợ giúp và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa được chuyên nghiệp, đa số chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội chuyên trách mới có 46/127 xã, phường, thị trấn ký hợp đồng, chỉ đạt 36,2%.
Trở thành nghề chuyên nghiệp
Phấn đấu đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH trên toàn tỉnh tăng 50%; xây dựng mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH tại thành phố, thị xã. Cùng với đó, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng về CTXH cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn và các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội. Xã hội hóa các hoạt động công tác xã hội.
Để thực hiện mục tiêu này và bảo đảm cho nghề CTXH hoạt động có hiệu quả, trong thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đoàn thể từng bước hình thành và phát triển mạng lưới nhân viên, cộng tác viên trong hệ thống trường học, bệnh viện, hệ thống tư pháp. Trong đó, tập trung phát triển các dịch vụ CTXH đối với trẻ em, người khuyết tật, người già, giải quyết vấn đề xã hội khác. Riêng Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận, Trường Trung cấp nghề kỹ thuật Công đoàn sẽ nghiên cứu hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo hệ trung cấp về CTXH và phương pháp đào tạo mới theo hướng hội nhập quốc tế. Mở rộng hình thức đào tạo cán bộ, nhân viên CTXH hệ vừa làm, vừa học. Hỗ trợ xây dựng năng lực cho mô hình cung cấp dịch vụ CTXH tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp… Hy vọng rằng, với những kế hoạch và giải pháp cụ thể trên, trong thời gian tới, nghề CTXH sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp quan trọng cho công tác an sinh xã hội, bồi đắp thêm truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 17 cơ sở trợ giúp xã hội, với tổng số 246 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các cơ sở. Mạng lưới công chức, viên chức, cộng tác viên CTXH có 1.298 người, trong đó có 46 cộng tác viên chuyên trách tại 46 xã, phường, thị trấn; 804 cộng tác viên trẻ em ở các thôn, bản, khu phố; 306 thành viên đội CTXH tình nguyện và 142 cán bộ, công chức làm CTXH ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). |
THU HÀ