Thưa ông, một trong những kết quả đạt được của ngành dân số thời gian qua là giảm tỷ lệ sinh, vậy ngành đã có những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả?
Ông Nguyễn Văn Tú: Với tỷ suất sinh của tỉnh năm 2015 còn 13,8%o, giảm 2%o so với năm 2014, đạt mục tiêu tỉnh giao. Điều này là một sự cố gắng lớn của ngành dân số trong công tác phối hợp, tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức người dân trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, để người dân ý thức được việc sinh ít con, nhất là những địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biển, nông thôn là không dễ. Do đó, cần phải đẩy mạnh truyền thông với nội dung phù hợp, phong phú, tiếp cận trực tiếp đến từng địa bàn, đối tượng. Từng cán bộ chuyên trách dân số phải có kinh nghiệm, kiên trì thuyết phục nhiều lần mới có thể làm thay đổi nhận thức của những cặp vợ chồng có ý định sinh con đông.
Quan ngại nhất hiện nay tốc độ tăng dân số không đồng đều khi ở khu vực đô thị nhóm đối tượng có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tốt thì tỷ lệ sinh giảm, còn ở các khu vực có điều kiện sống khó khăn thì tốc độ tăng dân số lại nhanh hơn?
Thực tế là vậy, bởi một bộ phận người dân nhận thức chưa thông. Ở vùng biển đảo thì tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại. Ở các xã vùng nông thôn muốn sinh con đông để có lao động giúp gia đình. Đây là những khó khăn nhất định gây áp lực lớn cho công tác dân số thời gian qua. Để giảm tỷ lệ sinh đúng mục tiêu, thời gian tới chúng tôi đang đặc biệt quan tâm đến các vùng này bằng các giải pháp “đặc thù”, hy vọng sẽ làm thay đổi tư tưởng sinh con đông.
Lao động trẻ ngày càng đông tại Bình Thuận, bởi tỉnh đang ở thời kỳ “dân số vàng”. Ảnh: Đ.Hòa |
Một thực tế tại đảo Phú Quý, chuyện sinh con thứ 3 đang còn phổ biến mặc dù nhiều gia đình đã đủ “nếp” đủ “tẻ”, thậm chí còn muốn sinh con “dự phòng” vì sợ rủi ro… Vấn đề này theo ông thì sao?
Tôi nghĩ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh con thứ 3 luôn cao ở các xã vùng biển. Nhưng không vì thế mà để họ cứ giữ mãi tư tưởng lạc hậu này, các cộng tác viên thường xuyên bám nhà, bám từng đối tượng để tư vấn, tuyên truyền nhằm đả thông tư tưởng, dù biết là rất khó khăn.
Bình Thuận đang ở đỉnh cao của thời kỳ “dân số vàng” hay đã bắt đầu bước sang giai đoạn chuyển dịch cơ cấu dân số khác?
Thống kê độ tuổi lao động từ 15 - 64 tuổi ở Bình Thuận đang chiếm khoảng 72%. Chúng ta đang sở hữu cơ hội “dân số vàng”, tức là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người trong độ tuổi phụ thuộc (nói rõ hơn là hai người làm nuôi một người). Điều này cũng cần tranh thủ để tận dụng lợi thế nguồn lực lao động trẻ đảm bảo chất lượng trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ chăm sóc sức khỏe đến giáo dục đào tạo con người, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên và thanh niên. Trong đó, cần có chiến lược đào tạo về giáo dục nghề, hướng nghiệp, trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức để lực lượng dân số trẻ đáp ứng tốt với nhu cầu thị trường lao động. Nếu không, cơ hội “dân số vàng” sẽ tuột mất và tỉnh sẽ đứng trước những thách thức của giai đoạn dân số già.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Ngọc (thực hiện)