Theo dõi trên

Ký sự pháp đình: Kết cục của “đại bàng”

29/03/2019, 14:09

BT- Quậy phá, côn đồ, nghiện ngập, cuộc đời dính đầy “chàm” khi từng 5 lần vào tù, ra khám - đó là tất cả về cuộc đời của “đại bàng” trại giam Lê Trọng Sang (44 tuổi, trú tại khu phố 4, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết), hiện đang thi hành án tại Trại giam Công an tỉnh Bình Thuận.

                
Lê Trọng Sang bị dẫn giải ra xe trở về trại    giam sau phiên xét xử.

 Sáng 26/3/2019, chiếc xe thùng chở bị cáo đỗ xịch trước sân Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết. Có lẽ, do đã quá quen với khung cảnh chốn pháp đình nên khi bước xuống xe, khuôn mặt Sang vẫn không mảy may chút sợ hãi khi phải đối mặt với đám đông đang hiếu kỳ. Cái nắng đầu hè oi ả càng phản chiếu rõ sự lì lợm trên gương mặt bị cáo, khắc họa hình ảnh một tù nhân với bản tính liều lĩnh, ngổ ngáo. Bản tính ấy cũng là nguyên nhân đẩy hắn vào cảnh hầu tòa lần thứ 6.

Theo hồ sơ vụ án, Lê Trọng Sang, Lê Anh Tuấn (SN 1988), Nguyễn Anh (SN 1988) và Phạm Minh Thế (SN 1995) bị tạm giam tại buồng E2 của Nhà tạm giữ - Công an TP. Phan Thiết (thuộc địa bàn thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết). Trong quá trình giam chung, do Sang lớn tuổi nên Tuấn, Anh và Thế rất nể sợ và thường gọi là “Bố Sang” hay “Bố Trọng”. Khoảng 20 giờ ngày 3/1/2017, sau khi cán bộ nhà tạm giữ tiến hành điểm danh hàng ngày theo quy định, thì Sang và Thế ngồi nói chuyện với nhau trong buồng giam, được một lúc thì phát sinh mâu thuẫn do Thế nhờ Sang tìm cách đưa ma túy từ bên ngoài vào trại cho Thế sử dụng. Bực tức việc Thế nhiều lần nhờ tìm ma túy, Sang đã khuyên nhưng Thế vẫn không nghe lời, nên Sang dùng chân đạp Thế té ngã và đánh vào mặt và ngực của Thế, dẫn đến Thế bị thương tích nghiêm trọng. Bị đánh đau nên Thế lên tiếng van xin: “Bố Trọng con biết lỗi rồi, Bố Trọng bỏ qua cho con”, nên Sang không đánh Thế nữa mà lên bệ xi măng nằm ngủ.

Lúc này, trong buồng giam còn có Anh và Tuấn chứng kiến toàn bộ sự việc nhưng cả hai không dám dậy can ngăn mà nằm im nhắm mắt, giả vờ ngủ vì sợ bị Sang đánh. Đến sáng, Anh và Tuấn mới phát hiện Thế nằm bất động, không còn thở nên mới báo cho Sang để gọi cấp cứu. Khi cán bộ y tế của Nhà tạm giữ đến kiểm tra thì Thế đã chết. Kết luận giám định pháp y xác định, Thế tử vong vào khoảng thời gian từ 4 giờ 45 phút đến 6 giờ 45 phút ngày 4/1/2017. Nguyên nhân tử vong do chấn thương sọ não.

Tại phiên xét xử, Sang thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, nhưng y cho rằng chỉ vì quá nóng giận, muốn đánh “dằn mặt” bạn tù, chứ không có ý định giết người. Bị cáo còn biện hộ rằng “trong thời gian sống chung luôn xem Thế như con, cháu trong nhà, vì muốn tốt cho Thế nên không muốn Thế tiếp tục sử dụng ma túy”. Tuy vậy, câu trả lời của bị cáo không nhận được sự đồng tình từ phía Hội đồng xét xử. Hành vi côn đồ của hắn còn bị gia đình bị hại vạch trần ngay tại tòa, cho rằng trong thời gian sống chung buồng giam với Thế, Sang thường xuyên sử dụng điện thoại di động cá nhân để nhắn tin, gọi điện cho gia đình của Thế, yêu cầu gửi đồ ăn, thức uống vào trại giam để Sang dùng. Nếu không làm theo, Sang sẽ đánh Thế và quay phim gửi vào tài khoản zalo của gia đình nhằm uy hiếp… 

Chủ tọa phiên tòa nhận định, Lê Trọng Sang mặc dù không mong muốn tước đoạt mạng sống của Thế, nhưng đã có hành vi sử dụng vũ lực gây thương tích, gây ra cái chết cho Thế. Mặt khác, bản thân Sang đã nhiều lần bị kết án, gần nhất là vào năm 2016 bị TAND TP. Phan Thiết xử phạt 3 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, chưa chấp hành xong hình phạt thì bị cáo lại tiếp tục phạm tội mới do cố ý, nên phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội có tính chất côn đồ” và “Tái phạm nguy hiểm”.

13 năm tù tội “Cố ý gây thương tích” là hình phạt mà Hội đồng xét xử đưa ra ngay sau đó. Đồng thời, bị cáo phải tiếp tục thi hành bản án trước đó 3 năm nữa. Cánh cửa nhà tù một lần nữa lại mở đón Sang. 

    
    Chẳng hiểu   những năm tháng nằm trong bốn bức tường lạnh lẽo của nhà giam, Sang có   thấm thía câu nói của cổ nhân, rằng “nhất nhật tại tù, thiên thu tại   ngoại” để rồi chọn cho mình một con đường đi đúng đắn, để có thể trở về   những ngày đầy ánh sáng khi tuổi đã xế chiều và chuộc lại một phần tội   lỗi mà mình đã gây ra…

Khánh Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã chú trọng triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm góp phần tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền về công tác này ngày càng được nâng cao, nhất là trong việc thực hiện “Chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký sự pháp đình: Kết cục của “đại bàng”