Theo dõi trên

La Gi đa dạng hóa nghề đào tạo

18/01/2018, 10:25

100% học viên có việc làm

BT- Ông Trần Thanh Sơn -Trưởng phòng Tổ chức - Giáo vụ - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên La Gi, cho biết: Qua 2 năm sáp nhập và đi vào hoạt động, trung tâm đã tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, phối hợp với các xã, phường tiến hành tổ chức khảo sát, điều tra nguồn nhân lực trên địa bàn; nhu cầu học nghề của lao động và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài thị trường. Từ đó, xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tiễn. Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyển sinh và mở các khóa đào tạo nghề cho người lao động. Nhờ đó, năm 2017, trung tâm tổ chức được 11 lớp dạy nghề may công nghiệp với gần 200 học viên, đạt 107% kế hoạch.

                
Học nghề may tại thị xã La Gi.

Nhằm cải tiến chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu công việc thực tế, rút ngắn thời gian đào tạo nhưng vẫn đảm bảo nội dung, trung tâm đã ký kết hợp đồng phối hợp đào tạo nghề may công nghiệp với Công ty CP May Bình Thuận - Nhà Bè. Nhờ đó, người lao động được tiếp cận nhanh nhất công việc sẽ làm và sau khi học xong, 100% học viên đều được ký hợp đồng làm việc tại Công ty CP May Bình Thuận - Nhà Bè. Qua các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động đã nắm nghề và có được công việc, thu nhập ổn định, từng bước nâng cao mức sống. Chị Đinh Thị Hai - thị xã La Gi cho biết: “Sau khi được học lớp nghề may, tôi đã được giới thiệu vào làm việc tại Công ty CP May Bình Thuận - Nhà Bè. Trước đây, tôi chỉ làm nông nghiệp, công việc thời vụ, thu nhập không ổn định. Giờ đây, với nghề được học, tôi đã có thể đáp ứng được các yêu cầu của công việc. Tôi rất yên tâm vì có nghề trong tay, có thu nhập ổn định hàng tháng”. Đối với mảng giáo dục thường xuyên, trung tâm đã mở được 8 lớp bổ túc văn hóa ở cả 3 khối lớp 10, 11, 12 với 250 học viên, tăng 2 lớp so với năm 2016.

 Đa dạng hóa các nghề

Theo ông Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, trung tâm đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chưa được các địa phương quan tâm. Việc theo dõi, chỉ đạo, phân công cán bộ tổ chức tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề còn thiếu tích cực. Một số lao động đi học nghề còn tư tưởng đòi hỏi phải có chế độ trợ cấp mới tham gia. Đội ngũ giáo viên dạy nghề ở trung tâm chưa đáp ứng được nhiều loại hình nghề, trong khi xã hội đang cần sự đa dạng trong đào tạo. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục nỗ lực để hoàn thành hai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và bổ túc văn hóa. Đồng thời, lên kế hoạch đa dạng hóa các nghề đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của học viên như trồng và chăm sóc cây cảnh, quản lý bàn - buồng phòng, thuyền trưởng, máy trưởng… Ngoài ra, trung tâm sẽ đào tạo tin học cho học viên bổ túc văn hóa. Do không có nhiều giáo viên cơ hữu, năm 2017, trung tâm ký hợp đồng với Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. 17 giáo viên của trường sẽ tiếp tục đảm nhiệm việc giảng dạy bổ túc văn hóa cho học viên thời gian tới. Trung tâm cũng vừa phối hợp với Trường Trung cấp nghề Miền Đông dạy nghề miễn phí cho học viên bổ túc văn hóa, nhằm hạn chế tối đa những trường hợp bỏ học giữa chừng, đảm bảo việc làm cho các em sau khi kết thúc khóa học.

T.HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi đa dạng hóa nghề đào tạo