Theo dõi trên

La Gi: Đổi mới hoạt động Mặt trận và các đoàn thể - hướng mạnh về cơ sở

12/05/2025, 05:28

Năm 2025 đánh dấu chặng đường 5 năm triển khai thực hiện Thông báo số 160 của Bộ Chính trị tại thị xã La Gi. Trong bối cảnh nhiều yêu cầu mới đặt ra đối với hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn đã có những bước chuyển mạnh mẽ về tư duy, phương thức hoạt động. Không chỉ dừng lại ở đổi mới hình thức, điều quan trọng là đã từng bước khơi dậy vai trò nòng cốt, trách nhiệm đại diện, tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ chủ trương đến thực tiễn

Ngay từ khi Thông báo 160 được quán triệt, Ban Thường vụ Thị ủy La Gi xác định rõ: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể không phải là khẩu hiệu mà phải đi vào thực chất, bắt đầu từ nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền thị xã đã chú trọng lồng ghép nội dung dân vận, công tác Mặt trận và đoàn thể vào các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội. Trách nhiệm chính trị được gắn chặt với trách nhiệm hành chính. Sinh hoạt chi bộ, họp định kỳ tại cơ quan, đơn vị đều đưa nội dung này thành yêu cầu bắt buộc, tạo chuyển biến sâu rộng từ nhận thức đến hành động.

493065969_2801982003322099_6240883449383831720_n.jpg
Hội đồng Đội thị xã La Gi chia sẻ kinh nghiệm với Hội đồng Đội thị xã Chơn Thành - Bình Phước.

Sự thay đổi lớn nhất chính là việc các đoàn thể “hạ cánh” về cơ sở. Hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể không còn mang tính hành chính, báo cáo mà hướng nhiều hơn về địa bàn dân cư – nơi thực chất diễn ra đời sống xã hội và các mối quan hệ gắn bó mật thiết với người dân. Cán bộ Mặt trận và đoàn thể được phân công thường xuyên dự sinh hoạt tại chi, tổ hội, chủ động “gõ cửa từng nhà”, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, tránh để tích tụ thành điểm nóng.

5 năm qua, La Gi duy trì tốt các quy chế phối hợp giữa chính quyền và Mặt trận, các đoàn thể. Từ phối hợp tiếp xúc cử tri, đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu với nhân dân, đến giải quyết khiếu nại, tranh chấp – tất cả đều thể hiện tinh thần “không để người dân đơn độc”. Các hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… đều có vị trí rõ ràng trong tham gia quản lý nhà nước. Những việc tưởng chừng “ngoài tầm” như góp ý dự thảo luật, tham gia phản biện chính sách địa phương, giám sát đầu tư cộng đồng, đều trở thành nội dung hoạt động thường xuyên. Đặc biệt, mô hình Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban Thanh tra nhân dân được củng cố, phát huy hiệu quả, giám sát thiết thực các công trình, chương trình liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.

Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ, hoạt động tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các đoàn thể cũng buộc phải thay đổi. Các nền tảng số như website Đảng bộ, Facebook, Zalo, Youtube trở thành kênh thông tin chính thống, thu hút đông đảo người theo dõi. Thông tin về gương điển hình, chính sách mới, phong trào “Dân vận khéo”… được cập nhật kịp thời, lan tỏa nhanh chóng.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân

Trong suốt 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội ở La Gi đã không ngừng củng cố vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người dân. Thông qua việc liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức đoàn thể đã giúp hàng ngàn lượt hộ dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo được tổ chức bài bản, hỗ trợ kịp thời người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh khó khăn, nạn nhân thiên tai… Không dừng lại ở hỗ trợ vật chất, các tổ chức còn tích cực tham gia hòa giải, giáo dục, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả… góp phần tạo ra chuyển biến về sinh kế và chất lượng sống cho người dân.

Vai trò phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được đẩy mạnh theo tinh thần Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Các cuộc giám sát, góp ý không còn là hình thức mà thực sự đi vào những vấn đề thiết thực, từ quy hoạch, đất đai, giáo dục, y tế đến thực thi chính sách với các đối tượng yếu thế. Từ các buổi đối thoại, sinh hoạt định kỳ đến những góp ý chính thức với cấp ủy, chính quyền, tiếng nói của Mặt trận, các đoàn thể đã có trọng lượng và giá trị hơn. Những mô hình, cá nhân điển hình trong công tác dân vận được biểu dương, lan tỏa - khơi dậy tinh thần tự giác, sáng tạo và gắn bó với cộng đồng của người dân.

Trong thời gian tới, cùng với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, thị xã La Gi đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Sự đồng hành của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, và trên hết là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

KIM ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thị xã La Gi long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng
BTO-Tối ngày 23/4, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã La Gi đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng thị xã La Gi (23/4/1975 - 23/4/2025) và kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập thị xã La Gi (5/9/2005 - 5/9/2025).
Nổi bật
La Gi: Đổi mới hoạt động Mặt trận và các đoàn thể - hướng mạnh về cơ sở
Năm 2025 đánh dấu chặng đường 5 năm triển khai thực hiện Thông báo số 160 của Bộ Chính trị tại thị xã La Gi. Trong bối cảnh nhiều yêu cầu mới đặt ra đối với hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn đã có những bước chuyển mạnh mẽ về tư duy, phương thức hoạt động. Không chỉ dừng lại ở đổi mới hình thức, điều quan trọng là đã từng bước khơi dậy vai trò nòng cốt, trách nhiệm đại diện, tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi: Đổi mới hoạt động Mặt trận và các đoàn thể - hướng mạnh về cơ sở