Theo dõi trên

La Gi: Kinh tế khởi sắc trong quý đầu năm

23/03/2022, 05:36

Trước diễn biến dịch Covid - 19 còn phức tạp, nhưng nhờ chủ động và tập trung triển khai các giải pháp phù hợp tình hình nên bức tranh kinh tế của thị xã La Gi trong quý đầu năm nay có nhiều điểm sáng…

buc-tranh-la-gi.jpg
Bức tranh kinh tế La Gi có nhiều khởi sắc trong quý đầu năm 2022. (Ảnh minh họa)

Ngay trong quý I/2022, hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị xã tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định với giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) ước đạt hơn 310 tỷ đồng, tăng 7,55% so cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các sản phẩm chủ yếu của địa phương như cát sỏi các loại, nước mắm, thủy sản khô các loại, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ… đều thể hiện mức tăng trưởng dương. Riêng sản phẩm may mặc và thủy sản đông lạnh trong quý đầu năm 2022 tăng khá cao so cùng kỳ, với mức tăng lần lượt là 37,2% và 19,2%. Trong khi đó hoạt động xuất khẩu hàng hóa cũng đem về cho địa phương khoảng 40,693 triệu USD, so quý đầu năm ngoái tăng gần 55% (chủ lực là sản phẩm may mặc với kim ngạch đạt xấp xỉ 38 triệu USD).

Cũng trong quý đầu năm, UBND thị xã đã làm việc với các chủ đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn và tích cực hướng dẫn, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó một số dự án, công trình như: Khu đóng sửa tàu thuyền, Nạo vét luồng lạch sông Dinh và duy tu luồng cửa biển La Gi, Mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá cửa biển La Gi… được quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc. Thời gian này, địa phương còn tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 và đẩy mạnh tiến độ thi công công trình chuyển tiếp, nhất là các công trình trọng điểm, bức xúc trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo, phối hợp chủ đầu tư sớm hoàn thành thủ tục để góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án trong lẫn ngoài ngân sách. Bao gồm dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 (đoạn qua địa bàn thị xã) và các khu đô thị mới (phường Phước Hội, phường Tân Thiện, Đông Tân Thiện, Tây Tân Thiện)…

Chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh nên hoạt động khai thác hải sản tại La Gi từ đầu năm đến nay vẫn duy trì và phát triển, đến nay toàn thị xã đã có 650/676 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Cùng với đó địa phương còn thực hiện tốt chính sách phát triển thủy sản, cụ thể là hỗ trợ cho 124 lượt tàu cá với số tiền 23,366 tỷ đồng (theo Quyết định số 48 của Chính phủ) giúp ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo… Theo ước tính của địa phương, đến 31/3/2022 sản lượng khai thác hải sản toàn thị xã đạt khoảng 11.795 tấn (tăng 1,33% so cùng kỳ) và sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch đạt 217 tấn (tăng 11,2% so cùng kỳ).

Là địa phương sở hữu thế mạnh về du lịch, hiện trên địa bàn La Gi có 42 dự án du lịch được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 3.550 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động và 11 dự án đang triển khai. Hiện các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch nơi đây đều hoạt động trở lại trong giai đoạn bình thường mới, thích ứng với điều kiện dịch Covid - 19. Ngành “công nghiệp không khói” của thị xã cũng cho thấy tín hiệu khởi sắc khi trong quý đầu năm nay ước đón 65.200 lượt (trong đó khách lưu trú có hơn 12.900 lượt), so cùng kỳ năm ngoái tăng đến hơn 32.600 lượt…

Bước vào quý II/2022, La Gi vẫn quyết tâm thực hiện đạt kết quả “mục tiêu kép” với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19”. Theo đó, thị xã vừa đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trên lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, đầu tư phát triển, tài chính, tín dụng, xuất khẩu hàng hóa, du lịch, thương mại… để tạo đà hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Thu ngân sách được thị xã La Gi xác định là nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy ngay trong quý đầu năm nay đã đạt hơn 75,2 tỷ đồng (bằng 83,57% kế hoạch năm), so cùng kỳ năm ngoái tăng 71,25%. Trong đó chủ yếu thu từ thuế phí và thu khác (hơn 42 tỷ đồng, tăng 62,6%), thu từ tiền sử dụng đất (33,105 tỷ đồng, tăng hơn 83%)…

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khẳng định vị thế ngành thủy sản
Từ sau khi tái lập tỉnh Bình Thuận (năm 1992) đến nay, thực hiện các nghị quyết, chương trình phát triển thủy sản của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành thủy sản của tỉnh đã từng bước cơ cấu lại toàn diện các lĩnh vực thuộc ngành và đạt được những kết quả tích cực.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi: Kinh tế khởi sắc trong quý đầu năm