Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận. Ảnh: Đ.H
Thị xã La Gi đặt mục tiêu đến cuối năm 2019 giải quyết việc làm cho 2.500 lao động, đào tạo nghề cho 300 LĐNT, phấn đấu tối thiểu đạt tỷ lệ 80% lao động có việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Theo kế hoạch, thị xã sẽ đào tạo 140 lao động ngành nông nghiệp, 160 lao động ngành phi nông nghiệp. Đối tượng đào tạo nghề là LĐNT từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi (đối với nam), 55 tuổi (đối với nữ), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân. Ông Trần Thanh Quế - Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi cho biết: Ngay từ đầu năm 2019, thị xã tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả “Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”. Trọng tâm là gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững của địa phương.
Năm 2018, thị xã La Gi tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT được 18 lớp với 468 học viên. Trong đó, thị xã trực tiếp ký kết đặt hàng đào tạo nghề cho LĐNT được 14 lớp với hơn 300 học viên, đạt tỷ lệ 111,33% kế hoạch, tổng kinh phí trên 313 triệu đồng. |
Bên cạnh đó, thị xã chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh Xã hội hướng dẫn các xã, phường khảo sát nắm bắt thực trạng lao động qua đào tạo và nhu cầu học nghề phù hợp với từng địa bàn. Tổ chức thống kê xác định tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề để đánh giá, xác định những mặt tồn tại, hạn chế và đề xuất hướng khắc phục. Về phía Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, xây dựng kế hoạch mở lớp, tích cực tuyên truyền, vận động mở các lớp đào tạo nghề phù hợp cho LĐNT. Cùng với đó, mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm đảm bảo cho người tham gia học nghề sau khi học xong có việc làm ngay. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại cơ sở nhằm thường xuyên tư vấn giáo dục nghề nghiệp và việc làm cho LĐNT. Qua đó, giúp người lao động thấy rõ mục đích, ý nghĩa của chính sách đào tạo nghề cho LĐNT mà tích cực tham gia đào tạo nghề… Riêng UBND các xã, phường sẽ phối hợp, liên kết và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài thị xã tư vấn, tuyển dụng lao động đã và đang tham gia đào tạo nghề tại La Gi. Trên cơ sở đó, tạo việc làm ổn định cho người lao động tham gia đào tạo nghề, sao cho bảo đảm ít nhất có 80% lao động tham gia đào tạo nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
Kim Anh