Theo dõi trên

Làm gì để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

06/11/2019, 09:30

BT- Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp chỉ mặn mà đầu tư kinh doanh vào các lĩnh vực du lịch, năng lượng sạch, khai thác khoáng sản, vui chơi giải trí… còn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì vẫn còn nhiều hạn chế, nếu có thì cũng chỉ ở mức độ nhỏ và vừa, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.  

Minh chứng cho điều này đó là, Bình Thuận được mệnh danh là thủ phủ thanh long của cả nước, tuy nhiên việc phát triển diện tích trồng thanh long của Bình Thuận chủ yếu là tự phát từ các hộ dân, đầu ra còn phụ thuộc nhiều vào thị trường. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thanh long như chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn rất ít và nhỏ lẻ…

Lý do mà các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này bởi lẽ doanh nghiệp khó tiếp cận được các nguồn vốn vay của ngân hàng do phương án kinh doanh chưa khả thi, chưa đủ điều kiện thế chấp và tín chấp đối với khoản vốn vay. Ngoài ra, khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp với các mặt hàng nông sản còn yếu, chưa kể đến sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro, tỷ suất lợi nhuận thấp. Khó khăn nữa là các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gặp phải thách thức từ việc tiếp cận đất đai, phát triển thị trường cho sản phẩm… Bên cạnh đó thị trường nông sản có nhiều thách thức như thời tiết bất thường, điều này cũng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong đầu tư nông nghiệp. Phải khẳng định rằng, sự phát triển của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có sự đóng góp tích cực từ việc đổi mới thể chế chính sách. Cụ thể là năm 2018 là năm có nhiều chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có Nghị quyết số 19 năm 2018 của Chính phủ đã rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp phát triển. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đơn giản hóa, rà soát cắt giảm 173/345 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 63 thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước còn triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có 3 nhóm hỗ trợ trọng tâm như hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển liên kết ngành và chuỗi giá trị, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ hội nhập. Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tháo gỡ các rào cản về đầu tư.

Với mong muốn tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, UBND sẽ tiếp tục thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh và bền vững, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa các sản phẩm của tỉnh trong thời gian tới. Về chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 57 sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành gồm mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Theo đó, danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gồm 13 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến 3.817 tỷ đồng, tổng số vốn hỗ trợ dự kiến 127 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Với chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 57 là rất cần thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

 Để thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi Nhà nước phải có cơ chế giao đất cho địa phương để quy hoạch các khu, vùng nông nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Điều quan trọng nhất là tạo quỹ đất sạch trước khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, các thủ tục đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng cần được giảm bớt, không quá rườm rà, phức tạp. Đồng thời cần ban hành một cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó cần tập trung vào các lĩnh vực như đất đai, tinh giản khâu thủ tục và có cơ chế vay vốn cho doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn…

Thanh Quang



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn