Theo dõi trên

Làm gì để sạch rác ở bãi biển Đồi Dương

20/07/2017, 15:25

BTO-  Đi tắm biển Đồi Dương, thứ đập vào mắt tôi và mọi người không chỉ có cảnh đẹp của công viên mà còn là rác. Rác ở mọi nơi, rác ở gốc cây, rác lẫn trong đám rau muống biển, rác nằm trong bồn hoa, rác nằm trên bãi cát, rác nằm trên lối đi, rác nằm kế bên… thùng rác. Rác đủ loại, từ nhhững túi nilon đựng thức ăn đến những ly mủ đựng thức uống,  từ những vỏ sò, vỏ ốc đến những hộp xốp, từ những chai lọ đến những que nhọn, que tăm dùng để xiên thức ăn… không thể nào kể hết. Tất thảy đều nằm không đúng vị trí mà nó đáng ra phải nằm.

 Đã có người đi tắm biển vì không để ý đã bị que nhọn xiên thức ăn đâm lủng chân chảy máu, làm độc. Không phải là không có người dọn dẹp vì hàng ngày đội ngũ công nhân của BQL khu du lịch Đồi Dương vẫn quét dọn trên lối đi của công viên, đi nhặt rác trên bãi biển, trong bồn hoa…. Theo tôi được biết, hàng ngày có 2 ca trực, buổi sáng từ 5 giờ đến 10 giờ, buổi chiều từ 2 giờ đến 5 giờ. Nói chuyện với một chị công nhân đã có thâm niên 15 năm trong nghề, chị bảo rác nhiều vô kể và hầu như ngày nào cũng như ngày nào, bằng một que gắp rác và một bao tải, chị chỉ có thể nhặt những thứ rác thải có thể gắp được, còn những que nhọn, que tăm hoặc những nút chai nhựa thì không thể và không đủ thời gian để nhặt.

 Cũng có những đợt thanh niên tình nguyện ra quân nhặt rác nhưng rồi rác vẫn hiện diện mọi lúc, mọi nơi như thử thách sức chịu đựng những công nhân dọn vệ sinh của Khu du lịch. Đi tắm biển đã hơn hai tháng nhưng tôi mới tự “vượt qua chính mình”  được 2 tuần nay, đó là ngày tôi bắt đầu công việc nhặt rác xung quanh chỗ mình khởi động trước khi xuống biển. Cũng có người nhìn thấy và đồng tình với việc làm của tôi, có người đã cùng tôi dọn rác. Tôi nghĩ chỉ có tôi và một vài người thì không thể làm sạch hết bãi biển nhưng nếu mỗi ngưởi đi tắm biển buổi sáng cùng góp một tay chắc chắn bãi biển sẽ rất sạch và cũng vơi bớt nhọc nhằn cho những người làm công việc dọn dẹp vệ sinh.

                       
         Hình ảnh không    đẹp mắt nhưng thường thấy tại khu du lịch Đồi Dương

Nhưng hướng lâu dài không phải là việc đi nhặt rác mà là bằng cách nào tác động lên ý thức để không còn những người xả rác không đúng nơi quy định. Cần phải làm gì đó trước khi quá muộn; hãy trả lại vẻ đẹp của công viên Đồi Dương, của bãi cát ven biển cho du khách, và cho chính chúng ta – những người con của phố biển Phan Thiết. Xem phim Hàn Quốc, nước người ta giải quyết vấn đề rác thải rất khoa học, tại sao nước mình mãi vẫn không học được.

 Hình ảnh anh công nhân vệ sinh đang đi nhặt rác

Tôi thấy BQL Khu du lịch Đồi Dương cũng cần phải thay đổi cách quản lý đối với nhữnng người bán hàng rong trong khu vực công viên Đồi Dương. Không thể ngày nào cũng cho quân trực và đuổi bắt họ khi mà vì cuộc sống mưu sinh mà họ phải bất chấp, chấp nhận chạy mỗi khi bị đuổi và sau đó vẫn tiếp tục buôn bán. Thiết nghĩ nhu cầu thưởng thức thức ăn đường phố mỗi khi đi du lịch là nhu cầu chính đáng của du khách, và một khi đã có cầu ắt sẽ có cung. Vấn để là quản lý như thế nào về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm và rác thải.

Tôi nghĩ nên tập hợp đội ngũ bán hàng rong thành một tổ chức kiểu giống như đội xe ôm tự quản vậy. Cho họ đăng ký, bắt buộc mặc đồng phục hoặc đeo thẻ khi bán hàng, cấp mã số đăng ký và yêu cầu họ đánh dấu mã số đăng ký lên các loại bao bì mà họ đựng thức ăn cho khách, làm sao cho mỗi người bán hàng rong là một tuyên truyền viên về ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Nếu phát hiện có rác thải mang mã số của người bán hàng nào xả không đúng quy định thì yêu cầu người bán phải đi thu dọn.

BQL cũng cần bố trí lực lượng (mặc đồng phục, có phù hiệu của BQL) làm công tác nhắc nhở, tuyên truyền cho du khách khi đến khu du lịch vui chơi phải xả rác đúng nơi quy định nhất là vào ban đêm và các ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết lượng du khách đổ dồn về rất đông, tổ chức những hoạt động vui chơi rất náo nhiệt. Việc ra quân lập lại trật tự rất cần phải làm và phải làm triệt để.

Tôi đã từng chứng kiến cảnh một đoàn du khách đem theo tấm bạt trải, thức ăn, nước uống cứ phải đi vòng vòng mà không thể yên vị do đi đúng vào thời điểm bị cấm không cho du khách tụ tập ăn uống. Ở Việt Nam mình, cái gì quản không được thì cấm, thiết nghĩ nếu đã cấm thì khi vi phạm tất nhiên phải bị phạt nhưng việc làm này tôi nghĩ cũng chưa được làm đến nơi, đến chốn. Ai là người đứng ra bắt phạt, ai thu tiền phạt và sử dụng tiền phạt như thế nào? Việc cấm sinh hoạt vui chơi, ăn uống theo nhóm tự phát ở khu du lịch Đồi Dương là không hay bởi cấm cản du khách sinh hoạt lành mạnh không phải là cách hay, huống hồ khi họ tổ chức vui chơi, ăn uống còn góp phần tạo thêm thu nhập cho đội ngũ bán hàng rong bởi họ nghèo. Mấy ngày nay, đài phát thanh ở khu du lịch phát những bản tin liên quan đến vấn đề môi trường, giữ vệ sinh môi trường nhưng thử hỏi mấy ai chú ý lắng nghe, tôi nghĩ chỉ bằng những hành động thiết thực mới mong chấm dứt việc xả rác bừa bãi như hiện nay.

KHÁNH TRẦN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để sạch rác ở bãi biển Đồi Dương