Anh Nhơn bên trang trại nuôi ốc bươu của mình. |
Tốt nghiệp đại học tại TP. Hồ Chí Minh, thế nhưng lại muốn làm giàu trên chính quê hương của mình, anh Nguyễn Hữu Nhơn đã về quê là thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh lập nghiệp. Qua tìm hiểu, anh Nhơn nhận thấy ốc bươu đen là loài dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương, chi phí đầu tư không lớn, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, anh Nhơn đã mạnh dạn thuê các ao, bàu của người dân ở xung quanh để đầu tư nuôi ốc bươu đen thương phẩm và cung cấp nguồn giống chất lượng cho bà con ở trong và ngoài địa phương.
Năm 2019, anh Nhơn bắt đầu thực hiện trang trại nuôi ốc bươu đen thương phẩm. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, chăm sóc nên những lứa nuôi ốc bươu đen đầu tiên chậm lớn và chết dần. Thất bại này không làm anh nản lòng mà tiếp tục mày mò, đúc kết dần kinh nghiệm qua những lần nuôi ốc bươu đen thử nghiệm tiếp theo và đã thành công.
Hiện nay, anh Nhơn có gần 7 ha diện tích mặt nước nuôi ốc bươu đen thương phẩm, ốc giống và ốc dược liệu tại 2 địa bàn thị trấn Đức Tài và thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh.
Anh Nhơn cho biết: ốc bươu đen thương phẩm nuôi khoảng 4 tháng có thể xuất bán. Mật độ thả nuôi 200 - 250 con/m2; trọng lượng đạt 20 - 25 con/kg, giá bán hiện là 75.000 đồng/kg. Trang trại của anh cung cấp ra thị trường mỗi ngày 200 kg ốc bươu đen thương phẩm.
Ngoài ra, anh còn cung ứng ốc giống cho nhiều người dân trong vùng cùng nuôi. Theo đó, anh đã dành khoảng 20 m2 để nuôi ốc hậu bị; mật độ ốc bố mẹ khoảng 70 - 100 con/m2. Mỗi ngày ốc đẻ trứng khoảng 4 - 5 lạng; trung bình, cứ 1 kg trứng ốc bươu đen nở ra 12.000 con giống. Những con ốc giống đó sẽ được theo dõi kỹ lưỡng, sau khi trứng nở khoảng 15 ngày là bán được. “Trước kia, vì chưa có kinh nghiệm ươm, tỷ lệ trứng nở chỉ đạt trên 50%, nhưng hiện nay tỷ lệ trứng nở đã đạt trên 90%. Do nhu cầu nuôi ốc bươu đen tăng cao, nên mỗi tháng trang trại của tôi có thể cung cấp giống ốc bươu đen cho hơn 150 hộ dân trong và ngoài địa phương, bình quân mỗi hộ từ 20.000 – 50.000 con ốc giống, với giá bán 300 đồng/con”, anh Nhơn chia sẻ.
Cũng theo anh Nhơn: Ốc bươu đen không ăn cám công nghiệp, thức ăn của chúng hoàn toàn tự nhiên như cỏ, các loại bèo, mướp, bầu, bí… Trang trại của anh thường chú trọng nuôi bèo tấm để cung cấp nguồn thức ăn chính cho ốc. Hiện tại, anh dành hơn 60% diện tích mặt nước để nuôi bèo làm thức ăn cho ốc. Cách làm này không những cung cấp nguồn thức ăn sạch, không bị hư nhiễm hóa chất mà còn tiết kiệm chi phí thức ăn, nâng cao hiệu quả mô hình nuôi ốc bươu đen của anh.
Được biết, nhiều năm về trước, ốc bươu chỉ là loại nhuyễn thể, rẻ tiền, người dân dùng trong những bữa cơm đạm bạc. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng do môi trường sống bị ô nhiễm, thì loại ốc này trở nên khan hiếm và nay những món ăn chế biến từ ốc bươu đen đã có mặt ở các nhà hàng, quán ăn cao cấp ở các đô thị lớn. Anh Nhơn đã nhạy bén, nắm bắt cơ hội và mạnh dạn triển khai thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen ngay chính quê hương của mình. Mô hình này của anh được xem là mới ở địa phương, hiệu quả mang lại không thua kém so với các nơi khác. Anh Nhơn cũng được xem là người tiên phong thực hiện mô hình này, mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở huyện Đức Linh.
Bảo Ngọc