Có mặt tại khu vực hồ Cà Giây, nhiều diện tích rừng nơi đây đã bị phát dọn, tại một số chỗ còn sử dụng thuốc xịt khai hoang, xịt sơn quanh khu vực phát dọn, khoanh vùng đất chiếm và có cả lều trại tạm bằng bạt ni lon. Ông Trần Văn Hiệu – Phó Trạm Đầu mối quản lý kênh chính tây Cà Giây cho biết: “Các đối tượng phát, chặt những cây con lấn chiếm đất rừng chủ yếu vào ban đêm, gây khó khăn cho công tác quản lý. Đáng lo ngại nhất là đối tượng lấn chiếm rất manh động, đe dọa, hành hung cả lực lượng quản lý và những người dân khi bị nhắc nhở. Do không đủ thẩm quyền xử lý, chúng tôi đã báo cáo sự việc với UBND xã Bình An và phối hợp ngăn chặn”. Còn theo một số hộ dân cho biết, trước khi xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng tại khu vực này, xe vẫn hay ra vào để dò la trước khi xảy ra lấn chiếm. Nghi việc lấn chiếm này mục đích nhằm đầu cơ giữ đất, chờ có dự án triển khai sẽ thỏa thuận với dự án để hưởng đền bù?!
Trao đổi với ông Nguyễn Trung Hoài – Phó Chủ tịch UBND xã Bình An, ông Hoài cho biết: Phần diện tích tại khu vực lấn chiếm đã được điều chỉnh đưa ra quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 674/QĐ-UBND của UBND tỉnh, thuộc các tiểu khu 88A, 84A, 83A. Sau khi phát hiện có lấn chiếm, UBND xã phối hợp với Trạm Đầu mối quản lý kênh chính tây Cà Giây thành lập tổ kiểm tra, xử lý lấn chiếm đất và xác định có 5 vị trí bị lấn chiếm với diện tích với khoảng hơn 10 ha. Tại hiện trường vẫn chưa xác định được hết những cá nhân lấn chiếm, riêng ở khu vực lấn chiếm tọa độ số 3, số 4 đã xác định cá nhân lấn chiếm là ông Hoàng Văn Linh – thôn An Chung (Bình An)”. Theo ông Hoài, hiện địa phương rất khó lập biên bản xử lý những trường hợp vi phạm này, vì đối tượng không hợp tác.
Toàn xã Bình An có khoảng 4.000 ha rừng do UBND xã quản lý, trong đó có trên 270 ha đã đưa ra quy hoạch 3 loại rừng. Đối với diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng chủ yếu là vị trí nằm xa khu dân cư, đồi núi, đá sỏi. Hàng năm, UBND xã thành lập tổ bảo vệ rừng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ chống phá rừng. Từ đầu năm đến nay, tổ bảo vệ rừng xã đã ngăn chặn các hành vi vi phạmluậtbảo vệ rừng, thu giữ 1,296 m3 gỗ và chuyển hồ sơ về hạtkiểm lâm huyện. Mặc dù theo lãnh đạo, đa số diện tích đất bị lấn chiếm nằm xa khu dân cư, đồi núi, đối tượng lấn chiếm manh động gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhưng điều đáng nói, quanh khu vực đất rừng lấn chiếm có đến 3 trạm quản lý rừng đóng tại đây nhưng việc lấn chiếm vẫn xảy ra. Trong hơn 10 ha đất rừng bị lấn chiếm có khoảng 4 ha nằm trong hành lang lòng hồ Cà Giây, việc lấn chiếm đất rừng đang đặt ra mối lo ngại phá vỡ cảnh quan sinh thái, nguồn nước ở khu vực lòng hồ Cà Giây, nếu không có giải pháp mạnh tay xử lý kịp thời, triệt để.
Trước thực trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng diễn ra phức tạp trên địa bàn huyện Bắc Bình nói chung và xã Bình An nói riêng, đặt ra trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp quyết liệt. Cũng như thường xuyên tuần tra, kiểm soát để phòng chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật diễn biến phức tạp...
Thanh Duyên