Mỗi làng nghề đều mang nét đặc trưng riêng
Ở Bình Thuận điều mà ai cũng nhận thấy đó là, mỗi địa phương đều có làng nghề thủ công, mỗi làng nghề lại sản xuất một mặt hàng thủ công truyền thống khác nhau, mang tính đơn nhất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có trên 10.146 cơ sở ngành nghề nông thôn đang hoạt động với trên 50.000 lao động tham gia vào các nhóm ngành nghề chính như sản xuất gạch ngói, làm mía đường, bánh tráng, dệt thổ cẩm, gốm gọ, chế biến hải sản, nước mắm, mây tre đan, chế biến gỗ và lâm sản...
Các làng nghề truyền thống đã tạo thêm việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần giảm nghèo cho người dân khu vực nông thôn và tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ để tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là các làng nghề truyền thống như gốm gọ, nghề làm bánh tráng, mây tre đan, dệt thổ cẩm, chế biến hải sản, sản xuất muối, điêu khắc gỗ... đã góp phần rất lớn trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường du lịch văn hóa, quảng bá du lịch, thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất của làng nghề.
Hiện nay tại Bình Thuận vẫn còn 3 làng nghề truyền thống có từ rất lâu đời vẫn đang hoạt động sản xuất đó là: làng nghề bánh tráng Phú Long, làng nghề bánh tráng Chợ Lầu và làng nghề gốm gọ Bình Đức. Theo đó, nghề tráng bánh tráng thủ công bằng tay gắn với làng nghề bánh tráng Phú Long tại thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc và làng nghề bánh tráng Chợ Lầu tại thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình. Còn làng nghề gốm gọ Bình Đức, tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình có từ rất lâu đời, được các gia đình người Chăm duy trì qua nhiều thế hệ. Làng nghề truyền thống gốm gọ đã được UNESCO tặng bằng và ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.
Hỗ trợ và thúc đẩy các làng nghề truyền thống
Việc phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh tuy đã có nhiều đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục. Theo đó, việc sử dụng máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, sản phẩm kém hấp dẫn, mẫu mã lỗi thời, giá thành cao do làm thủ công, sức cạnh tranh kém. Bên cạnh đó người dân không mặn mà với nghề truyền thống do mức thu nhập thấp so với các doanh nghiệp và các nghề phi nông nghiệp khác dẫn đến một số làng nghề phải giải thể hoặc chuyển đổi công năng… Với thực trạng trên, UBND tỉnh đã có một số giải pháp để phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn của Trung ương và của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tạo điều kiện hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn được tiếp cận các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về đào tạo, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chính sách thuế, vay vốn, đào tạo, dạy nghề. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, từng bước đổi mới công nghệ trong sản xuất, ưu tiên cho các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong các làng nghề tham gia nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư vào ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất nâng cấp, đầu tư công nghệ mới. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, trong đó tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Thúc đẩy hoạt động giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo tồn và phát triển làng nghề góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương. Đặc biệt là khôi phục và phát triển các các làng nghề, nghề truyền thống, phát triển thêm nghề mới phù hợp với từng địa phương. Với những giải pháp mang tính đồng bộ, hỗ trợ thúc đẩy các ngành nghề ở nông thôn, làng nghề truyền thống, thời gian tới sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nhất là người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.