Tại họp báo Chính phủ chiều 29/10, Phó Tổng Giám đốc BHXHVN Phạm Lương Sơn cho biết: 9 tháng năm 2016, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp là 13 nghìn tỷ, chiếm 5,8% dư nợ. Nếu so với cùng kỳ năm 2015 (dư nợ trên 6,3%) thì tỉ lệ giảm, toàn ngành Bảo hiểm và các cơ quan chức năng hỗ trợ quyết liệt trong việc thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm quyền lợi người lao động tham gia bảo hiểm.
Về vấn đề khởi kiện, theo Luật BHXH được Quốc hội thông qua năm 2014, cơ quan BHXH tăng chức năng thanh tra thu BHXH nhưng giảm chức năng khởi kiện ra tòa án. Từ 1/7, BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh không thực hiện khởi kiện nữa. Ngày 20/9, BHXH Việt Nam đã ký quy chế phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và triển khai nhiệm vụ này tới Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, chuyển giao việc khởi kiện cho các liên đoàn lao động các địa phương.
“Nhưng chúng tôi không thực hiện bị động mà chủ động, BHXH các tỉnh, BHXH Việt Nam vẫn làm toàn bộ hồ sơ về nợ, số liệu, các thủ tục BHXH và chuyển sang Tổng Liên đoàn chỉ đạo liên đoàn lao động các tỉnh” – ông Phạm Lương Sơn nói.
Đến thời điểm hiện nay, ngoài việc khởi kiện cũ đã thu hồi nhiều tiền cho người dân.
Ông Sơn khẳng định: “Chúng tôi đặt mục tiêu, còn 3 tháng cuối năm, sẽ đưa dư nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp còn 3,5%, bằng với dư nợ 2015, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm”.
Cũng theo ông Sơn, BHXH đang phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức thanh tra thu, hoàn thiện các văn bản quy định triển khai công tác thanh tra thu này.
“Chúng tôi đã triển khai thí điểm ở 3 địa phương, có tác động tốt. Các doanh nghiệp bị kiểm tra sau khi có kết luận thanh tra thu, thì hầu như đã nộp lại nợ đọng BHXH, BHYT thuộc trách nhiệm của mình” – ông Sơn nói.
Vũ Hạnh/VOV