Đoàn công tác làm việc với thành phố Hà Nội. |
Thủ đô Hà Nội có vị trí địa lý - chính trị quan trọng, có lợi thế đặc biệt để phát triển thương mại so với các địa phương khác trong cả nước. Với tổng diện tích đất tự nhiên là 3.348,5 km2, dân số 7,3 triệu người; ngoài ra còn khoảng 2,7 triệu lượt người qua lại làm ăn, học tập, công tác và du lịch. Hà Nội có nhu cầu về quả tươi 52.000 tấn; rau, củ 83.300 tấn; thủy hải sản 5.000 tấn và mặt hàng gạo tẻ khoảng 82.600 tấn/tháng …Đây là thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa lớn, hấp dẫn; ngoài ra còn có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước. Nhu cầu hàng hóa nông sản, thực phẩm; nhất là sản phẩm sạch ngày càng trở nên cấp thiết yếu hơn bao giờ hết đối với người dân Thủ đô.
Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua, lãnh đạo 02 tỉnh, thành phố đều cho rằng việc tiêu thụ sản phẩm thanh long và một số sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Thuận tại thị trường Hà Nội còn chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp còn chưa quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa; công tác quảng bá, tuyên truyền còn chưa rộng, chưa sâu; người dân Hà Nội còn chưa biết nhiều đến các sản phẩm có chất lượng của Bình Thuận, nhất là đối với sản phẩm thanh long, nước mắm, mủ chôm…Theo báo cáo của Sở Công nghiệp Bình Thuận, hiện Doanh nghiệp tư nhân Rau quả Bình Thuận mới bước đầu đưa thanh long và một số loại trái cây khác vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị VinMart, Big C …tại Hà Nội khoảng 3 - 4 tấn/tháng; Hợp tác xã Thanh long hữu cơ Phú Long đưa thanh long vào tiêu thụ thông qua các cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội khoảng 6 - 5 tấn/tháng…, chiếm tỷ lệ nhỏ so với nhu cầu của thành phố.
Trao nhận quà lưu niệm. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai tỉnh nhất trí, sẽ quyết tâm, kiên trì, tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới. Về phía thành phố Hà Nội,tiếp tục hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh Bình Thuận trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh các quận, huyện, thị xã và các cơ quan thông tấn báo chí. Phối hợp và tạo điều kiện để tỉnh Bình Thuận tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu, thông tin các chương trình hội chợ, hội thảo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tạo điều kiện, mời các đơn vị tỉnh Bình Thuận tham gia kết nối, trưng bày, quảng bá sản phẩm như: Hội chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, hội chợ đặc sản vùng miền... do thành phố tổ chức. Tiếp tục giới thiệu cho các đơn vị tỉnh Bình Thuận các doanh nghiệp uy tín, các nhà phân phối, bán lẻ, các trung tâm thương mại, siêu thị, ban quản lý các chợ để kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn để ổn định sản xuất và thị trường tiêu thụ. Về phía tỉnh Bình Thuận, tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất tích cực mở rộng diện tích sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận như ISO, tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP), tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) để nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm; định hướng nội dung tuyên truyền cho từng sản phẩm nông sản (các quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản, cách sử dụng…) để cung cấp tới đơn vị phân phối, người tiêu dùng thuận tiện, nhất là trong công tác thông tin để người dân nhận biết, an tâm sử dụng. Hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ… để có thể đưa các sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh vào các kênh phân phối hiện đại được dễ dàng hơn./.
Văn Quý