Theo dõi trên

Lao động tự do nặng trĩu nỗi lo Tết đến

27/12/2021, 10:10

Trở lại buôn bán, kiếm thu nhập sau một thời gian dài giãn cách do dịch bệnh, những người lao động tự do tại TP.HCM đang nỗ lực làm việc để có tiền trang trải cuộc sống.

Chật vật mưu sinh từng ngày

Hơn một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán nên ông Vũ Kim Nguyên (ngụ Quận 4) và nhiều đồng nghiệp trong Nghiệp đoàn xe ôm phường Bến Thành đang rất trăn trở. Năm nay, ông Nguyên chỉ chạy xe được vài tháng còn lại nghỉ ở nhà do dịch bệnh. Đi làm trở lại từ tháng 10 nhưng thu nhập của người tài xế tự do này cũng không khá hơn, có ngày chỉ chạy được 1 cuốc xe với thu nhập 20.000 đồng. Những năm trước, ông Nguyên chạy xe chở khách du lịch nước ngoài, nhận chở hàng cho tiểu thương chợ Bến Thành nên thu nhập cũng dư giả để lo Tết cho gia đình 4 người.

tet_1.jpg

Tài xế xe ôm chờ khách trước cổng chợ Bến Thành. (Ảnh: Trịnh Giang)

Nhìn cảnh chợ Bến Thành vắng hoe dịp cuối năm, lòng ông Nguyên nặng trĩu bởi tiền nhà và những khoản chi tiêu hàng ngày không biết kiếm được từ đâu.

“Thu nhập trước đây khoảng gần 200.000 đồng/ngày. Bây giờ khó khăn quá, làm không ra tiền, thậm chí cả ngày không có khách, chỉ ngồi chơi. Tôi lo lắm, thấy chợ "án binh bất động" không sôi nổi như trước nên kiếm tiền cũng khó khăn"- ông Nguyên nói.

Sau một tai nạn lao động, ông Phạm Minh Tuấn (ngụ Quận 12) mất công việc ổn định nên chỉ có thể gắn bó với chiếc xe 3 bánh, đi bán vé số dạo tại các quận trung tâm thành phố để nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

Ông Tuấn chia sẻ, trước đây vợ ông nhận may gia công với thu nhập khoảng 120.000 đồng/ngày, cộng thêm tiền bán vé số cũng đủ trang trải sinh hoạt. Dịch bệnh bùng phát khiến vợ chồng ông Tuấn thất nghiệp nhiều tháng, đến nay gia đình 5 người đều trông chờ vào những xấp vé số nên nỗi lo kinh tế lại đè nặng lên vai ông Tuấn khi Tết đến, xuân về. Bốn năm nay, ông Tuấn chưa về quê Hải Dương thăm cha mẹ, dịp Tết năm nay cũng đành gác lại do không đủ điều kiện.

tet_2.jpg

Tết của nhiều lao động tự do bán vé số đang trông chờ vào người mua. (Ảnh: Trịnh Giang)

“Dịch bệnh ít người ra đường, kinh tế cũng khó khăn hơn nên mọi người ít mua vé số. Bây giờ chỉ dựa vào tiền lời vé số chứ không còn thu nhập nào khác nên chi phí sắm Tết, mua quần áo mới cho con không có cũng lo lắm. Về nhà xem ti vi thấy mọi người đoàn tụ bên người thân cũng buồn lắm. Mình không về quê được thì phải chấp nhận”- ông Tuấn chia sẻ.

Tết cũng như ngày thường

Còn anh Phạm Chí Tâm (ngụ huyện hóc Môn) đang bán hàng rong dọc các quận nội thành cho biết, Tết Nguyên đán năm nay gia đình chỉ bày biện đơn sơ, cắt giảm nhiều khoản chi tiêu để dành vốn cho việc buôn bán. Vừa qua, gia đình 4 người đều mắc COVID-19, phải điều trị dài ngày tại bệnh viện dã chiến nên không có thu nhập. Dù đã khỏi bệnh nhưng sức khoẻ các thành viên trong nhà đều giảm sút nên không đi bán xa như trước, chỉ đẩy xe bán quanh khu phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1).

Theo anh Tâm, các điểm vui chơi công cộng tại TP.HCM đã khá nhộn nhịp nhưng việc bán hàng cũng không khả quan bởi người dân ngại dịch bệnh, ít ăn uống, một phần do kinh tế khó khăn nên nhiều người cũng thắt chặt chi tiêu. Có ngày, thu nhập của 4 người từ việc bán hàng rong chưa đầy 300.000 đồng. Giờ đây, anh Tâm chỉ trông chờ vào dịp Tết dương lịch, kì nghỉ Tết âm lịch để tới Công viên nước Đầm Sen, Thảo Cầm viên,… bán hàng chứ không mong được nghỉ ngơi, vui chơi. Bởi, anh Tâm tự nhủ: những lao động tự do chỉ có thể “tự thân vận động” để lo cuộc sống.

tet_3.jpg

Người bán hàng rong cũng chỉ trông chờ bán buôn được trong những ngày lễ, Tết cuối năm. (Ảnh: Trịnh Giang)

“Thời gian giãn cách do dịch bệnh thì ai cũng khổ, mỗi người một hoàn cảnh nhưng khó khăn nhất là hàng rong vì không có thu nhập. Người công nhân có trợ cấp còn mình lao động tự do nên phải bươn chải, mượn tiền ăn rồi sau dịch ráng làm trả lại người ta. Hiện nay dịch bệnh vẫn phức tạp nên không cầu mong như năm trước, giờ tới đâu hay tới đó”- anh Tấm cho biết.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần, người lao động tự do cũng thêm những nỗi lo cơm áo gạo tiền, thậm chí phải đắn đo khi mua một tấm áo mới cho con trong lúc kinh tế đang eo hẹp. Họ đều hi vọng, năm tới dịch bệnh sẽ giảm để được lao động, có thu nhập và không còn chồng chất lo lắng mỗi dịp Tết đến xuân về.

TRỊNH GIANG/VOV


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quá tải bệnh nhân tại các cơ sở điều trị Covid-19 ở Hà Nội
Từ khi số ca mắc trong cộng đồng ở Hà Nội gia tăng cũng là lúc Bệnh viện Thanh Nhàn- cơ sở điều trị tuyến cuối của thành phố phải tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân Covid-19 ở tầng điều trị thứ nhất, thứ 2 và thứ 3. Các khu vực này đã bắt đầu bị quá tải. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, theo phân công của Sở Y tế, bệnh viện có 100 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng đang tiếp nhận tới gần 150 bệnh nhân: “Hiện tại, Bệnh viện Thanh Nhàn đang quá tải bệnh nhân Covid-19. Ở tầng thứ 2 có gần 20 bệnh nhân chuyển nặng, khu vực tầng 3 có 40 bệnh nhân từ thở oxy cho đến can thiệp bằng máy thở. So với công suất được giao đã gấp 150%…".
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lao động tự do nặng trĩu nỗi lo Tết đến