Theo dõi trên

Lắp thiết bị giám sát hành trình: Phải cứng rắn!

13/04/2020, 13:56

BT- Từ ngày 1/4/2020, tất cả những tàu cá trên 15 m phải có thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, hơn 70% số tàu cá theo quy định đã lắp đặt xong, số còn lại cũng đang gấp rút hoàn thành. Bởi nếu không số tiền phạt dành cho những chủ tàu cố tình không thực hiện sẽ rất lớn. 

                
Ngư dân bên thiết bị giám sát hành trình    tàu cá mới lắp đặt. Ảnh: Đ.Nhượng

 Chậm so với lộ trình

Đến đầu tháng 4, toàn tỉnh đã có khoảng 1.400 tàu cá từ 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, chiếm hơn 70% số tàu cá trong diện phải lắp theo quy định. Hiện nay, những chủ tàu còn lại cũng đang gấp rút triển khai việc lắp đặt. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, để đạt lộ trình đề ra, trong tháng 3, chi cục đã cử cán bộ phối hợp với lực lượng biên phòng tỉnh tổ chức kiểm tra tại các cửa sông, cửa cảng tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu ký cam kết lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với những chủ tàu có tàu cá trong diện phải lắp đặt. Còn từ đầu tháng 4 đến nay, qua kiểm tra những tàu nào chưa lắp đặt thiết bị này thì kiên quyết không cho xuất bến ra khơi. Cũng theo Chi cục Thủy sản, bắt đầu từ giữa tháng 4 những trường hợp nào chưa lắp đặt sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định và số tiền phạt sẽ là rất lớn. Ông Lê Văn Hải (thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong) cho biết: “Chính quyền địa phương đã mời họp nhiều lần triển khai, yêu cầu phải lắp đặt trước ngày 1/4, nhưng có nhiều đơn vị chào mời với giá cả khác nhau rất chênh lệch, nên ngư dân đắn đo. Ngoài chi phí mua máy, chúng tôi còn phải tốn tiền lắp đặt, phí duy trì hoạt động khoảng 350.000 đồng/tháng, bảo dưỡng định kỳ… Trong khi gần đây đi biển rất khó khăn, nhiều chuyến biển không đủ chi phí khiến nhiều người kéo dài thời gian lắp đặt”.  Thêm nữa, một số chủ tàu cá cho biết, thời gian qua, ngư trường hải sản suy giảm, nhiều tàu cá công suất lớn phải nằm bờ không ra khơi hoặc ra khơi khai thác không hiệu quả, bị thua lỗ, do đó chủ tàu cũng gặp khó khăn trong việc lắp đặt.

Biết rằng, việc bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp ngư dân chứng minh nguồn gốc thủy sản, loại bỏ việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU). Việc thực hiện công tác này mang lại nhiều lợi ích cho ngư dân. Ngoài chức năng tự động báo cáo vị trí với tần suất 2 -  3 giờ/lần về Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá còn có thêm tiện ích về hỗ trợ thông tin thời tiết, gửi báo động khi tàu gặp sự cố, hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển… Nhưng đến thời điểm hiện tại, không ít ngư dân vẫn lơ là với quy định trên.

 Cần giải pháp cứng rắn hơn

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổ Công tác của sở, Chi cục Thủy sản và các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc rà soát toàn bộ danh sách tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Thông báo thời hạn phải hoàn thành việc lắp đặt, đồng thời gởi thông tin cụ thể tàu cá đến chính quyền địa phương, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng cửa biển để phối hợp kiểm tra, giám sát. Nếu tàu cá nào chưa thực hiện quy trình trên thì không cho xuất bến, không cấp giấy phép khai thác hải sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn không ít tàu thuyền ra khơi mà vẫn chưa có thiết bị giám sát hành trình.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ nhanh chóng lắp thiết bị giám sát hành trình. Tăng cường thanh tra, kiểm soát trên biển, sẽ xử lý nghiêm nếu chủ tàu không chịu lắp đặt và tuyệt đối không cho xuất bến.

 Đừng vì “tiếc” 20 triệu đồng

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá được xem là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bên cạnh đó, thiết bị này còn cho phép cơ quan chức năng nhanh chóng xác định vị trí của tàu cá trong trường hợp cần cứu hộ, cứu nạn trên biển. Hiện nay, giá lắp đặt 1 bộ thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá chỉ hơn 20 triệu đồng, nhưng theo quy định của Nghị định số 42 năm 2019 của Chính phủ quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thì phạt tiền từ 300  - 500 triệu đồng đối với chủ tàu cá không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m theo quy định; phạt tiền từ 500 - 700 triệu đồng đối với chủ tàu cá không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m theo quy định nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần. Ngoài ra, tùy trường hợp, các thuyền trưởng của tàu cá vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 6 - 12 tháng; chủ tàu bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 6 - 12 tháng… Do đó, ngư dân đừng vì “tiếc” 20 triệu đồng mà có thể bị phạt tới hàng trăm triệu đồng.

Các quy định về trang thiết bị và sử dụng thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá rất nghiêm ngặt, mức xử phạt khá cao. Do đó, ngư dân cần nghiêm túc chấp hành tránh bị phạt nặng và ảnh hưởng đến công tác gỡ “thẻ vàng” thủy sản của cả nước.

    
      Dự kiến tháng 5 tới, đoàn công tác EC sẽ quay trở lại Việt Nam để kiểm   tra việc thực hiện các khuyến nghị về IUU, trong đó có công tác lắp   thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá. Nếu cả nước thực hiện không   nghiêm, mức phạt có thể sẽ bị nâng lên thành “thẻ đỏ”.

Đình Nhượng  - Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lắp thiết bị giám sát hành trình: Phải cứng rắn!