Theo dõi trên

Lấy báo chí dẫn dắt mạng xã hội

22/06/2018, 09:12

 BT-   Cùng với sự bùng nổ thông tin trên mạng, càng ngày người ta càng nhận rõ hai mặt tốt - xấu, tích cực - tiêu cực của mạng xã hội. Nhiều người cũng nhận ra rằng: “tốt” hay “xấu” chủ yếu là do ý thức của người dùng mạng xã hội mà ra.

Những ngày qua, khi kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra, trên các trang mạng xã hội các thế lực thù địch đã lợi dụng dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như một “cơ hội vàng” để tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo “Việt Nam bán đất cho Trung Quốc”, “cho thuê đất 99 năm là bán nước”, và kêu gọi “biểu tình phản đối đặc khu là yêu nước”... Mục đích cuối cùng của chúng là lợi dụng lòng yêu nước, kích động dân xuống đường biểu tình trên toàn quốc, gây rối an ninh trật tự, bạo loạn, lật đổ.

Tại nhiều tỉnh - thành phố, nhiều đối tượng đã bị khởi tố, bắt giữ vì hành vi lợi dụng triệt để mạng xã hội để kích động người dân xuống đường biểu tình gây rối, tham gia lật đổ chính quyền. Nhiều người dân do chưa đủ thông tin chính thống và chính xác, bị hoang mang bởi các thông tin xuyên tạc tràn ngập trên mạng, lại thêm bị kẻ xấu kích động, đã tụ tập biểu tình tạo nên nhiều điểm nóng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội. Đặc biệt các vụ đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ xảy ra tại Bình Thuận là rất nghiêm trọng.

Chính trong những lúc “sóng gió” ấy là lúc công chúng cần đến các thông tin chính thống, chính xác và khách quan của báo chí, như một “kênh thẩm định” đáng tin cậy. Cho dù tốc độ truyền tin của mạng xã hội là nhanh và áp đảo, nhưng đa số người dân vẫn tin vào độ tin cậy của báo chí hơn mạng xã hội.

Chia sẻ trang báo lên mạng xã hội góp phần dẫn dắt dư luận

Báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng - Nhà nước đến nhân dân. Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, kinh nghiệm rút ra sau sự số vừa qua là công tác thông tin tuyên truyền về 2 dự án luật chưa sâu rộng, đầy đủ, kịp thời. Khi xuất hiện các dư luận trái chiều, thông tin tiêu cực, sai trái về 2 dự luật trên mạng xã hội, thì chưa chủ động nắm tình hình, phản bác, ngăn chặn thông tin xấu độc. Khi biểu tình, gây rối xảy ra ở nhiều tỉnh - thành, bên cạnh các tờ báo làm tốt việc định hướng dư luận, có hàng loạt tin bài đấu tranh làm rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dự luật để chống phá chế độ, kêu gọi nhân dân cảnh giác, thì một vài tờ báo chưa thận trọng, cân nhắc khi đưa thông tin: rút tít giật gân, đưa hình ảnh thiếu nhạy cảm như clip người dân tụ tập đốt phá, nhiều người hò reo, cảnh sát xịt vòi rồng, hay cảnh lực lượng chức năng trấn áp các đối tượng quá khích... dễ bị kẻ xấu lợi dụng, làm nóng thêm tình hình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Ngòi bút, trang giấy là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà. Còn Đảng ta luôn coi báo chí là “Người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng”. Muốn trở thành hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội và định hướng dư luận, trước hết báo chí phải thông tin nhanh nhạy, kịp thời, nhiều chiều hơn, tăng độ cập nhật, tính hấp dẫn, sức thuyết phục với công chúng, đồng thời tăng cường đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, các tin đồn thất thiệt trên internet. Phát biểu trong dịp 21/6 năm ngoái, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cảnh báo hiện tượng báo chí bị mạng xã hội dẫn dắt - điều này rất đáng để các nhà báo suy nghĩ.

Mặt khác trong thời đại công nghệ thông tin, bên cạnh các loại hình báo chí truyền thống, cần tận dụng hình thức thông tin qua hệ thống viễn thông và mạng xã hội. Làm sao các thông tin chính thống từ báo chí được lan tỏa nhanh trên mạng xã hội, góp phần dẫn dắt dư luận, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Hơn 53 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng Facebook, hơn 70% dân số nước ta sử dụng internet.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấy báo chí dẫn dắt mạng xã hội