Dự và phát động phong trào có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và TP. Hà Nội, các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên Trường Đại học Phenikaa.
Tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là phong trào quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân. Thủ tướng khẳng định, học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu tất yếu, khách quan của mỗi cá nhân trong quá trình phát triển xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân toàn cầu.
Việc triển khai lễ phát động đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) càng có ý nghĩa thiết thực. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi công dân. Thời gian tới, thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, để có sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, Thủ tướng yêu cầu cần phải có sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế một cách thực chất với nhiều chính sách về nguồn lực tài chính, con người, cơ chế giám sát...
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi người có nhu cầu học tập đều được đáp ứng, thỏa mãn, hỗ trợ người yếu thế, người hết tuổi lao động, người nội trợ... được học tập suốt đời. Huy động sự chung tay đóng góp của toàn xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp về nguồn lực vật chất, ý chí và quyết tâm nhằm đột phá trong xã hội học tập, khuyến khích phát triển bình đẳng đối với các loại hình đào tạo, không phân biệt công lập, ngoài công lập, không phân biệt liên doanh, liên kết...
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần xây dựng và phát huy hiệu quả các quỹ, hương ước tại các cộng đồng, cơ quan, đơn vị để đẩy mạnh học tập suốt đời. Thực hiện tốt các chương trình đẩy mạnh phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa... Bên cạnh đó, có hình thức khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tập thể thực hiện tốt, hiệu quả, các tấm gương sáng đến mọi người, đến cộng đồng, phổ biến những cách làm hay, hiệu quả để khích lệ tinh thần nhà nhà học tập, người người học tập, xã hội học tập, huyện học tập, tỉnh học tập và cả nước học tập...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố triển khai phong trào thi đua sâu, rộng và thường xuyên ở cơ quan, đơn vị, địa phương, để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.
Theo đó, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng một số bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố đã phát biểu hưởng ứng phong trào thi đua.
Kết thúc Lễ phát động phong trào, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương đã thực hiện nghi thức nhấn nút khởi động cam kết hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Sau lễ phát động sẽ triển khai phong trào thi đua sâu rộng và thường xuyên ở cơ quan, đơn vị, địa phương, để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng.
Trước đó, năm 2005 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010”. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và năm 2021, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.