Theo dõi trên

Lệ Thy - Hai lần giành giải nhất kể chuyện về Bác

22/05/2018, 15:02

BTO- Mỗi lần thí sinh Nguyễn Trần Lệ Thy, đại diện chi bộ 5, khách sạn Bình Minh kể chuyện về Bác đều thu hút từ ánh nhìn của khán giả bởi lối kể chuyện rất sâu lắng. Chiếc áo dài màu xanh đen điểm vàng thướt tha nổi bật trên nền phông hoa sen, thí sinh Nguyễn Trần Lệ Thy giới thiệu về mình và giới thiệu câu chuyện về Bác “thời gian quý báu lắm” một cách tự tin. Với chất giọng Phan Thiết ấm và truyền cảm, Lệ Thy bắt đầu kể:

 “Lúc sinh thời, điều mà Người ghét nhất, “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm” là các thói quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân. Bác rất khó chịu  khi thấy cán bộ làm việc không đúng giờ, trễ hẹn với người dân, với cấp dưới quyền. Chuyện kể rằng: Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, tất nhiên là có lý do: Trời mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo: - Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.

Nguyễn Trần Lệ Thy

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

- Chú đến chậm mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

 Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

 Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.

 Hay một trường hợp khác là: Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi. Bỗng chuyển trời đột ngột, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa xối xả. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: mưa thế này, Bác đến sao được nữa, trời hại quá!

 Giữa lúc trời đang trút nước, lòng người đang thất vọng, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rào, rồi bật lên thành tiếng reo át cả tiếng mưa ngàn, suối lũ:

 - Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi!

 Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần sắn đến quá đầu gối, đầu đội nón, Bác hiện ra giữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người.

 Về sau, anh em được biết: Giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị Bác cho báo hoãn đến một buổi khác. Nhưng Bác không đồng ý, Bác nói: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công!”...

Khi câu chuyện kể về Bác đã hết, Lệ Thy ngưng một lát để vơi bớt những cảm xúc rồi nói tiếp: “Câu chuyện đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá. Đó là nói đi đôi với làm, đã nói là phải làm cho bằng được, phải có kế hoạch để thực hiện lời hứa. Ở mỗi cương vị công tác, nhất là cán bộ đầu ngành, thủ trưởng cơ quan, đơn vị lời nói phải đi đôi với việc làm. Cán bộ vận động nhân dân ủng hộ tiền, hiến đất để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi, giúp người nghèo có hoàn cảnh khó khăn chút ít tiền bạc, lương thực…thì bản thân gia đình cán bộ phải gương mẫu trước. Đã nói, đã hứa thì phải thực hiện cho bằng được. Câu chuyện còn để lại cho chúng ta bài học “tiết kiệm thời gian". Đó là tiết kiệm tiền của, công sức của mình, của cán bộ và của nhân dân, như Bác đã nói: "10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây".

Với phong cách truyền đạt biểu cảm, lời kể được minh họa sống động bằng thực tế của đơn vị, vì thế mà câu chuyện kể dễ hiểu, dễ nhớ, Lệ Thy đã thuyết phục các vị trong Ban giám khảo. Song, điều cả khán phòng chú ý hơn là phần Lê Thy soi rọi những bài học rút ra từ câu chuyên kể “thời gian quý báu lắm” vào bản thân và đơn vị khách sạn Bình Minh, Lệ Thy nhấn mạnh: “8 năm trước Giám đốc, công đoàn khách sạn Bình Minh chủ trương xây dựng quỹ “vì những mảnh đời bất hạnh” hàng tháng cán bộ nhân viên và người lao động đã trích thu nhập đóng vào quỹ. Ban đầu việc tự nguyện đóng góp còn chệch choạc không đều, nhưng sau đó qua tuyên truyền, giáo dục mọi người có ý thức hơn trong cuộc vận động này. Vì thế, nhiều năm nay hoạt động từ thiện của đơn vị khá sôi nổi đã góp phần giúp đỡ hàng trăm mảnh đời bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống. Đó chính là tư tưởng của Bác “nói đi đôi với làm và làm bằng được”. Hay trong công tác phục vụ khách ăn uống tại khách sạn ngoài việc bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá cả phải chăng để cạnh tranh trên thị trường thì khách sạn luôn chú ý giờ giấc đã cam kết với khách hàng và phục vụ theo yêu cầu của khách…”

Kỷ niệm 128 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/2018) Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh tổ chức hội thi tuyên truyền tấm gương điển hình, thi văn nghệ, thi cắm hoa và kể chuyện về Bác Hồ. Tại hội thi lần này, Nguyễn Trần Lệ Thy đã dành giải nhất kể chuyện về Bác Hồ kính yêu. Trước đó (5/2016) Nguyễn Trần Lệ Thy cũng dành giải nhất cuộc thi kể chuyện về Bác với câu chuyện “nước nóng, nước nguội”.

 Lê Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lệ Thy - Hai lần giành giải nhất kể chuyện về Bác