LHQ cảnh báo, nhiều quốc gia, chủ thể phi quốc gia và tội phạm đang gia tăng các hoạt động mạng độc hại trên toàn thế giới.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres vừa nói với Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên tại phiên thảo luận mở về chủ đề “Duy trì hòa bình an ninh quốc tế", giải quyết mối đe dọa ngày càng gia tăng trên không gian mạng”, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yul: “Việc lạm dụng công nghệ kỹ thuật số ngày càng tinh vi và lén lút hơn. Gia tăng phần mềm độc hại như Malware, wipers và Trojan. Chính vì vậy, hoạt động mạng được hỗ trợ bởi AI (trí tuệ nhân tạo) đang làm tăng mối đe dọa và điện toán lượng tử có thể phá vỡ toàn bộ hệ thống bằng khả năng vi phạm mã hóa”.
Ông Guterres cũng cho biết, sự cố an ninh mạng đang trở nên phổ biến đáng lo ngại, làm gián đoạn dịch vụ y tế, ngân hàng và viễn thông…
An ninh mạng đang là mối quan tâm ngày càng nhiều của các quốc gia.
Trước khi diễn ra phiên họp, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc - Cho Tae-yul đã thay mặt 63 quốc gia tuyên bố thừa nhận những thách thức của việc sử dụng không gian mạng không lành mạnh và hoan nghênh phiên họp mở ra tập trung thảo luận về vấn đề này.
Ông Cho Tae-yul đề nghị, cần có nhiều phiên họp như thế này hơn nữa để các cơ quan của LHQ có thể “linh hoạt ứng phó với những gì mà công nghệ đang phát triển nhanh” và đặc biệt là tác động của nó đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Mỹ lên tiếng đã trả 120 triệu USD tiền chuộc cho các tin tặc ở Nga, nơi chúng xem là chỗ ẩn náu an toàn nhất. Bà Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại LHQ cho rằng: “Chính phủ Nga đã tạo điều kiện cho hacker nơi trú ẩn an toàn. Những năm gần đây đã tấn công mạng gây ra thiệt hại hàng tỷ USD và thiệt hại đáng kể cho các bệnh viện cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng khác”. Nga phản ứng gay gắt luận điệu áp đặt của đại sứ Mỹ và kêu gọi Mỹ tăng “tính chuyên nghiệp” tại Hội đồng Bảo an.
Anh cũng bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa an ninh mạng, bao gồm cả những mối đe dọa từ Triều Tiên. Đại sứ Anh Barbara Woodward cho rằng: “Mối đe dọa an ninh mạng hiện nay gây ra nhiều rủi ro hơn bao giờ hết đối với hòa bình và an ninh quốc tế và các chính phủ cần phải ra sức giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.”
Trước đó cũng trong tháng này, một nhóm tin tặc được cho là ủng hộ Điện Kremlin của Nga đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công mạng đồng bộ nhằm vào các trang website của các đảng chính trị Hà Lan và các cơ quan ở châu Âu vào ngày bầu cử Nghị viện châu Âu đầu tiên.
Phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an LHQ lần này diễn ra vài tuần sau khi Nga sử dụng quyền phủ quyết của mình để phản ứng cuộc điều tra của LHQ về cách mà các hoạt động hacker của Triều Tiên tài trợ cho các chương trình vũ khí của mình vốn đang bị trừng phạt.
Đây là phiên họp mở chính thức về an ninh mạng lần thứ hai trong lịch sử Hội đồng Bảo an LHQ, đã tổ chức.