BT - Hàm Thuận Nam được xem là “thủ phủ” thanh long của Bình Thuận, bởi có diện tích cũng như sản lượng thu hoạch cao nhất tỉnh. Nhưng để phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng thì cần tính đến liên kết sản xuất và tiêu thụ cho loại cây trồng chủ lực của huyện…
Diện tích vượt quy hoạch
Cách đây 4 năm (2016), diện tích cây thanh long trên địa bàn Hàm Thuận Nam là 11.637 ha với sản lượng 280.000 tấn. Theo quy hoạch vùng trồng thanh long đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 của UBND tỉnh, nơi đây được quy hoạch đến năm 2020 là 13.000 ha với sản lượng 350.840 tấn, còn đến năm 2025 là 14.500 ha cùng sản lượng 405.000 tấn…Tuy nhiên đến tháng 8/2020 vừa qua, diện tích sản xuất thanh long ở Hàm Thuận Nam đã đạt 14.786 ha, tức vượt quy hoạch đến năm 2020 hơn 1.780 ha. Nếu so thời điểm cách đây 4 năm, diện tích cây thanh long trên địa bàn huyện tăng gần 3.150 ha và sản lượng tăng thêm khoảng 40.000 tấn.
Theo xu hướng chung, các hộ trồng thanh long trên địa bàn cũng quan tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần tăng năng suất lẫn giá trị cho sản phẩm lợi thế. Hiện diện tích thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP toàn huyện là 6.794 ha/14.786 ha, so năm 2016 tăng 555 ha… Là “thủ phủ” thanh long, do vậy tại địa phương tập trung 140 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động thu mua, sơ chế, xuất khẩu thanh long tươi với 167 kho lạnh phục vụ bảo quản có sức chứa hơn 18.730 tấn trái. Theo UBND huyện, tất cả các doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu thanh long trên địa bàn Hàm Thuận Nam đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã nhà đóng gói. Ngoài ra, đa số cơ sở kinh doanh thanh long nơi đây cũng tự thiết kế logo cho doanh nghiệp, cơ sở của mình, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền công nhận và bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Đến nay, tại Hàm Thuận Nam cũng có 5 cơ sở chế biến sản phẩm trái thanh long (rượu, nước giải khát, kẹo, sấy dẻo…), nhưng nhìn chung đều có công suất nhỏ, thời gian qua mới bước đầu sản xuất thăm dò thị trường…
Thanh long - cây trồng lợi thế và chủ lực của huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: N.Lân |
Liên kết để phát triển
Thực tế cho thấy, sản lượng thanh long tại Hàm Thuận Nam chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, chỉ khoảng 15% được tiêu thụ trong nước và một số thị trường khó tính khác (châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Mặc dù vậy, phần lớn cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ thanh long trên địa bàn huyện vẫn tồn tại xuất khẩu tiểu ngạch. Thế nên giá cả thanh long còn bấp bênh, nhất là trong tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp thì giá thu mua khá thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống bà con nông dân…
Để “thủ phủ” thanh long phát triển theo hướng bền vững, vấn đề đặt ra là cần thiết liên kết trong sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Bởi trong năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Bình Thuận… Vừa qua, UBND huyện Hàm Thuận Nam cũng tổ chức triển khai chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đến các địa bàn, đoàn thể, đơn vị liên quan. Đồng thời giao phòng chức năng của huyện chủ trì, phối hợp tuyên truyền, tập huấn, thông báo rộng rãi chính sách hỗ trợ của tỉnh về liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đến nay, địa phương đang hình thành 2 chuỗi liên kết (tại xã Mương Mán và Thuận Quý) theo hình thức tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long với quy mô 55 ha/55 hộ dân tham gia. Ngoài hộ dân và các hợp tác xã còn có sự tham gia bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp sẽ triển khai liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Từng bước mở rộng quy mô, gắn với thực hiện cánh đồng mẫu lớn, sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng sản xuất an toàn để mang lại hiệu quả kinh tế tương xứng. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đảm bảo theo chuỗi liên kết chiếm tỷ lệ chưa cao và các doanh nghiệp tiêu thụ có quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu.
Khắc phục những tồn tại và hạn chế qua bước đầu triển khai, sắp tới Hàm Thuận Nam sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết, củng cố các tổ hợp tác và hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo hướng nâng cao chất lượng, tạo uy tín và kết nối đầu ra lâu dài. Cùng với đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu và ưu tiên đầu tư vào chế biến đa dạng sản phẩm thanh long…
QUỐC TÍN