Liên kết vùng để phát triển du lịch
Mặc dù có tiềm năng rất lớn, song phát triển du lịch của tỉnh còn khiêm tốn, chưa ngang tầm với vị thế và tiềm năng vốn có. Sản phẩm du lịch tuy đã có bước cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch. Bởi vậy, trong thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng và đã có nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Tuyên Quang, Bình Phước. Mới đây nhất, ngày 24/10/2023, Bình Thuận tiếp tục ký kết chương trình hợp tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch với tỉnh Ninh Thuận, nhằm thúc đẩy phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kết nối điểm đến, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, hình thành chương trình du lịch đặc sắc mang thương hiệu “Hai địa phương - Một điểm đến”. Theo đó, 2 tỉnh sẽ phối hợp tổ chức chương trình khảo sát quảng bá, xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch, chương trình du lịch mới của địa phương, trên cơ sở đó định hướng cho doanh nghiệp du lịch liên kết phối hợp để xây dựng chương trình du lịch kết nối các tuyến, điểm du lịch của Bình Thuận và Ninh Thuận.
Trên chặng đường phát triển du lịch, vấn đề này luôn được địa phương và ngành rất quan tâm nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trên nguyên tắc hợp tác bình đẳng cùng có lợi. Được biết, từ năm 2007 tỉnh Bình Thuận đã ký kết triển khai chương trình liên kết Tam giác phát triển du lịch “Bình Thuận - Lâm Đồng - TP. Hồ Chí Minh” và đạt kết quả đáng khích lệ. Việc liên kết được xem là giải pháp thiết thực, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế phát triển du lịch của các địa phương, phù hợp với tính đặc trưng liên vùng của du lịch. Hợp tác liên kết vùng trong công tác xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch còn xây dựng thương hiệu, tiếp thị điểm đến của tỉnh, góp phần phối hợp nguồn lực hiệu quả hơn, tạo điều kiện mở rộng không gian du lịch, đa dạng, kết nối các sản phẩm du lịch trong vùng, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp xây dựng và phát triển sản phẩm, du khách có nhiều sự lựa chọn, từ đó góp phần tăng sức hấp dẫn của điểm đến, hỗ trợ kết nối, khai thác hiệu quả các tài nguyên, sản phẩm du lịch. Nằm trong vùng trọng điểm du lịch của khu vực, nhận thấy việc liên kết, hợp tác đã trở thành xu thế mạnh mẽ. Bởi hiện nay, hạ tầng giao thông đi lại đã thuận lợi, xu hướng du khách cũng thường muốn tự đi, khám phá nhiều điểm đến trong chuyến đi. Hoạt động liên kết về công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng một phần giải quyết được bài toán về kinh phí trong các hoạt động xúc tiến quảng bá. Với sự chung tay chia sẻ về kinh phí các địa phương đã cùng nhau liên kết, tổ chức các chương trình quảng bá tại các thị trường trọng điểm, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch địa phương ra thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trong nước kết nối với doanh nghiệp quốc tế xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, thu hút lượng khách quốc tế về địa phương.
Hướng tới phát triển bền vững
Bên cạnh những thành công đã đạt được, hoạt động liên kết vùng và hợp tác công tư trong phát triển du lịch cũng gặp không ít khó khăn như: Nguồn lực phân bổ cho hoạt động xây dựng sản phẩm, xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các địa phương, hoạt động liên kết vùng chỉ ở mức độ trao đổi thông tin, phối hợp triển khai các hoạt động phát triển du lịch hiện có, chưa có sự đổi mới, nổi bật và chưa hình thành dấu ấn đặc trưng của vùng. Các sản phẩm du lịch trong chuỗi liên kết còn trùng lặp, đơn điệu, chưa có quy chế điều phối, phân công rõ ràng giữa các địa phương trong vùng để giải quyết những vấn đề về phát triển du lịch... Để phát triển bền vững trong liên kết vùng nhằm xây dựng sản phẩm và xúc tiến, quảng bá du lịch cần phải liên kết xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, khai thác nguồn khách đến. Trên cơ sở hình thành và phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương, đẩy mạnh liên kết các tỉnh trong vùng tạo thành các cụm sản phẩm mạnh để tạo thành điểm đến liên vùng, các sản phẩm chuyên đề như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển... để tạo ra các gói sản phẩm chung hấp dẫn. Ngoài ra cần phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở trong nước và ngoài nước thường xuyên, liên tục với sự tham gia gắn kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các tỉnh, cơ quan quản lý và doanh nghiệp lữ hành. Đồng thời có chương trình đào tạo thống nhất, đồng bộ tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý các địa phương, đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động trong ngành du lịch, nâng cao nhận thức và đào tạo, tập huấn cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch giữa các địa phương trong vùng nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng dịch vụ. Tiếp tục hoàn thiện các chương trình hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực...