Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trong thời gian vừa qua dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Tuy nhiên, hệ thống logistics tại Việt Nam còn đơn lẻ, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhấn định, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp. Trong đó, kết nối giữa các phương thức vận tải đang là hạn chế lớn, làm chi phí logistics cao. Hệ thống đường bộ có nhiều cải tiến, tuy nhiên số lượng phương tiện chạy rỗng còn nhiều, làm giảm hiệu suất khai thác, tăng chi phí...
Anh Nguyễn Hoàng Đông, lái xe vận tải nông sản đường dài phục vụ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới Lạng Sơn cho biết, quá trình thu gom, vận chuyển hàng hóa hiện nay khá mất nhiều thời gian khi chưa có hệ thống thu gom đầu mối, chủ yếu đơn vị vận chuyển vẫn phải kết hợp mỗi chuyến hàng từ những mối hàng đơn lẻ. Trong khi đó, nhiều chuyến xe lượt đi có hàng nhưng lượt về xe chạy rỗng khiến chi phí vận tải tăng cao, gây lãng phí cho cả DN vận tải và xuất khẩu.
“Đa phần hàng nông sản được chủ vườn gọi trực tiếp cho bên vận chuyển đến đóng hàng và chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng hàng hóa, trong quá trình vận chuyển cũng như giao cho đối tác nước ngoài. Việc thu gom nhỏ lẻ như vậy mất nhiều thời gian lại không có kho bãi bảo quản hàng hóa khiến công việc này có áp lực rất lớn”, anh Đông cho hay.
Nông sản nằm chờ tại các cửa khẩu dài ngày có khả năng hư hỏng bởi thiếu hệ thống lưu trữ, bảo quản. |
Thời gian qua, những thách thức trong quản trị chuỗi cung ứng hàng nông sản và thủy sản; tính kết nối hạ tầng logistics phục vụ hàng nông sản và thủy sản luôn được nhiều DN quan tâm; Nhiều trường hợp DN không thực hiện được hợp đồng xuất khẩu vì gặp khó khăn trong việc lưu giữ, bảo quản cũng như thời gian vận chuyển khi chưa có sự kết nối các hình thức vận tải.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), hiện có 5 yếu tố ảnh hưởng đến phát triển của ngành logistics Việt Nam. Đầu tiên là hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ chưa phát triển tương xứng với tốc độ công nghiệp hóa dẫn đến tình trạng quá tải và ùn ứ. Điểm yếu thứ hai là quy trình thủ tục hải quan còn nhiều chồng chéo và cứng nhắc làm chậm tốc độ luân chuyển hàng hóa. Thứ ba là vận tải biển nội địa chưa được phát huy hết tiềm năng để giảm tải cho vận tải đường bộ.
Yếu tố thứ tư là sự phát triển thiếu quy hoạch và thiếu tính liên kết của các cảng và dịch vụ hậu cần như kho, bãi, trung tâm logistics và cuối cùng là việc thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau.
“Đây là những nguyên nhân cản trở sự phát triển bền vững của doanh nghiệp logistics nội địa và đẩy chi phí logistics ở Việt Nam tăng cao. Chính phủ cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp quản lý mang tính vĩ mô; trong đó, nhấn mạnh đến giải pháp đẩy mạnh phát triển các trung tâm logistics ở châu Âu, châu Mỹ”, ông Linh nêu rõ.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, khi hệ thống kho bãi và các trung tâm logistic vùng chưa được thiết lập, các chuỗi cung ứng lạnh cho vận chuyển hàng hóa chuyên dùng hầu như chưa có gì và cả nước không có những chợ đầu mối nông sản thực phẩm, những trung tâm giao dịch hàng hóa mang tầm cỡ khu vực nên việc kết nối sản phẩm cũng như nhu cung - cầu giữa các vùng miền chưa thực sự hiệu quả.
“Một ví dụ như khu vực ĐBSCL là nơi xuất khẩu gạo, thủy hải sản tươi sống, rau củ quả lớn nhất của cả nước, song các sản vật của các tỉnh trong vùng lại không xuất được trực tiếp tại các cảng, các trung tâm logistic ở các địa phương mà hầu như phải tăng chi phí vận tải do phải vận chuyển đoạn đường rất xa đến TP HCM để xuất khẩu hoặc phục vụ cho tiêu dùng nội địa”, ông Phú minh chứng.
Bên cạnh đó theo ông Phú, khi hệ thống logistics của Việt Nam còn thiếu tính chia sẻ, thiếu sự phối hợp để giảm bớt những lãng phí trong dự trữ, vận chuyển, sơ chế và tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
“Số liệu thống kê cho thấy, có đến 70% xe vận tải không có hàng khi di chuyển. Tính ra chưa đến 15% số lượng DN logistics sử dụng các phần mềm quản trị và điều hành DN như WMS, TMS. Còn hầu hết các DN chủ yếu thao tác thủ công hoặc bằng bảng tính Excel. Một số DN logistics còn thật sự chưa tin tưởng lẫn nhau, thiếu liên kết, việc ai người nấy làm nên lĩnh vực này đã yếu lại ngày càng yếu thêm”, ông Phú nhận định.
Do đó, ông Phú cho rằng, nếu xác định logistics là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản thì phải tìm cách giảm chi phí, thúc đẩy để tạo thêm những thuận lợi hóa trong thương mại. “Đặc biệt đối với mặt hàng nông sản có đặc thù nhanh xuống cấp, hay hư hỏng và thời gian tiêu thụ ngắn so với các loại hàng hóa tiêu dùng khác, vì thế ngành logistic phải phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, góp phần vào việc giảm thiểu rủi ro cho nhóm hàng này”, ông Phú chỉ rõ.
Bộ Công Thương cũng cho biết, để phát triển dịch vụ logistics đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để DN dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của thế giới; hỗ trợ hình thành một số DN logistics đầu đàn để định hướng dẫn dắt thị trường.
Nguyễn Quỳnh/VOV