Theo dõi trên

Lo ngại… nguồn nước sông Giêng

29/03/2017, 09:17

BT- Dòng sông Ui, sông Giêng chảy qua khu vực giáp ranh Bình Thuận - Đồng Nai,  trước khi đổ về lưu vực sông Dinh thuộc huyện Hàm Tân, thị xã La Gi. Lâu nay người dân xã Tân Đức sống gần lưu vực hai dòng sông (Ui, Giêng) ca thán về tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông khu vực này.

                
Dòng sông Giêng còn nguy cơ ô nhiễm môi    trường.

Đầu năm nay, người dân xã Tân Đức, huyện Hàm Tân phản ánh, đoạn phía dưới Công ty TNHH MTV Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm là nơi khu vực suối Ông Châu đổ vào nguồn nước sông Giêng có hiện tượng bất thường: nước nồng độ ấm, nổi bọt trắng, mùi tanh hôi, cá nổi đầu chết; tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực đầu nguồn các sông, suối giáp ranh hai tỉnh. Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội hai tỉnh (Bình Thuận, Đồng Nai) cùng sở, ngành chức năng ở hai địa phương đã thực hiện giám sát tình hình ô nhiễm môi trường khu vực giáp ranh trên. Đoàn đã lấy 7 mẫu nước phân tích, gồm 2 mẫu nước thải Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm, Nhà máy bột mì Thành Tâm; 5 mẫu nước mặt thuộc các nơi: suối Ông Châu, sông Ui nằm về phía thượng nguồn nhà máy cồn, hồ số 4 nhà máy cồn, phân trại 2, Trại giam Thủ Đức, sông Ui đoạn thượng nguồn Nhà máy bột mì Thành Tâm.

Tại cuộc họp mới đây báo cáo kết quả giám sát do Đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Thuận tổ chức, có sự tham gia của Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai, cho thấy vẫn còn những thông số đáng lo ngại. Đó là mẫu nước thải Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm có 2 trong 10 thông số đưa vào phân tích nằm trên mức quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, như BOD5 vượt 1,14 lần, TSS vượt 1,22 lần. Tại hồ số 4 trong nhà máy cồn có 3 thông số: COD vượt 3,13 lần, tương tự BOD5 (3,33 lần), Amoni (2,09 lần), mẫu nước mặt trong hồ này bị ô nhiễm hữu cơ cao hơn chất lượng nguồn nước hai dòng sông (Ui, Giêng). Theo nhận định ban đầu có thể tại thời điểm giám sát cuối mùa mưa muộn, khả năng nước mưa xung quanh chảy tràn mang các chất ô nhiễm vào hồ nước tù đọng, nên gia tăng các chất ô nhiễm trong hồ. Tại cầu trong phân trại 2, Trại giam Thủ Đức hai thông số lần lượt vượt là COD (1,8 lần), BOD5 (2,16 lần).

Trong khi đó, 5 mẫu nước mặt sông Giêng, sông Ui ở thượng nguồn hai nhà máy cồn Tùng Lâm, bột mì Thành Tâm cũng đều có các thông số: COD, BOD5, TSS, Amoni, Photphatvượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 08:2008/BTNMT, phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp thì mới dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Riêng các thông số BOD5 vượt từ 1,51 đến 2,16 lần, COD vượt 1,26 – 1,8 lần, Photphat vượt 1,36 – 1,67 lần; mức độ dao động nồng độ các chất ô nhiễm tại các vị trí lấy mẫu trên không lớn. Theo ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Bình Thuận, nguyên nhân tình trạng ô nhiễm trên có thể tại thời điểm lấy mẫu đã vào mùa khô, lưu lượng dòng chảy hai sông nhỏ nên mức độ phát tán các chất ô nhiễm cũng như khả năng tự làm sạch không cao. Trong khi đó, Đoàn đại biểu Quốc hội qua giám sát khuyến cáo, nguồn nước sông Giêng, sông Dinh hiện nay phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt nếu không áp dụng công nghệ xử lý phù hợp trước khi cấp cho sinh hoạt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống người dân tại khu vực.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh  cho hay, đoàn đã thống nhất với Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai, yêu cầu Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm với quy mô nước thải 1.000 m3/ngày đêm phải lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động theo quy định tại khu vực hoạt động của nhà máy, truyền thông số trực tiếp về Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai theo dõi. Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cũng lưu ý, các sở, ngành chức năng hai tỉnh cần phối hợp chặt chẽ trong giám sát, kiểm tra ở khu vực giáp ranh vào các thời điểm khác nhau, đánh giá xác thực nguyên nhân, mức độ ô nhiễm lưu vực sông ở đây; tăng cường thông tin cho nhau xử lý, khắc phục môi trường. Đồng thời thống nhất với phía Đồng Nai kiến nghị: Bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ đạo đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hai công ty TNHH MTV (Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm, bột mì Thành Tâm) có nguồn xả thải ra sông Ui - nơi thượng nguồn của sông Giêng, sông Dinh nhằm chấn chỉnh các sai phạm, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại lưu vực. Bộ cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước thải sản xuất tinh bột mì, vì đây là loại hình sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.   

   Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo ngại… nguồn nước sông Giêng