Theo đó, trên Báo Bình Thuận đã đưa tin 86 tài xế taxi TTC bị ngưng hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trước khi có cuộc họp kín diễn ra vào ngày 1/8, thì ngày 31/7 tất cả tài xế phải tập trung xe về kho và ngưng hoạt động. Vụ việc sau đó được đại diện Tập đoàn TTC cho biết lãnh đạo công ty và 85 nhân sự thuộc trung tâm taxi đã có buổi làm việc với nhau. Phía công ty và tài xế đã thống nhất về hướng xử lý chế độ sau khi giải thể trung tâm taxi này. Theo đó, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tiền cho mỗi nhân viên thêm 1 tháng lương (tương đương số tiền lương tháng 13) để trang trải cuộc sống. Đây là khoản hỗ trợ cụ thể, vì thông tin chấm dứt hợp đồng lao động quá bất ngờ khiến người lao động không kịp kiếm việc làm mới.
Về hướng sắp xếp công việc tiếp theo cũng được ban lãnh đạo trung tâm taxi trao đổi với toàn thể người lao động. Cụ thể, 4 nhân sự của trung tâm được bố trí điều chuyển sang các bộ phận giặt ủi, kinh doanh và trung tâm thương mại. Có 4 nhân sự chưa sắp xếp được công việc thì công ty sẽ thanh toán chế độ mất việc làm, với tổng số tiền hơn 39 triệu đồng. Còn 77 lao động không được hưởng chế độ do công ty chi trả cũng sẽ được hoàn trả lại số tiền huy động vốn, quyết toán tiền đã trừ hàng tháng trước ngày 8/8. Đơn vị này hứa sẽ không thu hồi chi phí đào tạo, giá trị đồng phục của trung tâm taxi, đồng thời hướng dẫn người lao động thực hiện thủ tục trợ cấp thất nghiệp kịp thời và nhanh chóng.
Vụ việc cũng được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra và có biện pháp giải quyết để đảm bảo việc vận chuyển hành khách bằng phương tiện taxi trên địa bàn tỉnh cũng như giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động bị dừng việc đúng quy định pháp luật.
Rất mừng là phía công ty đã thực hiện đúng lời hứa của mình trước người lao động. Thông tin chúng tôi nhận được là 77 tài xế đã được nhận lại số tiền ký quỹ và tháng lương hỗ trợ. Đó là chữ “tín” mà doanh nghiệp cần phải giữ trong thời buổi hiện nay. Dù trước đó, căn cứ vào Bộ luật Lao động 2012, việc ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh (Điều 38, điều 44) vì lý do gì thì người lao động cũng phải được thông báo ít nhất 30 ngày. Họ cũng phải được giải quyết các chế độ cần thiết dành cho người lao động, có phương án giải quyết các chế độ trình đơn vị quản lý nhà nước về việc ngưng hoạt động... Đối với người lao động, bị mất việc bất ngờ rất dễ khiến người lao động bức xúc vì liên quan trực tiếp đến đời sống không chỉ một cá nhân mà bên cạnh họ còn cuộc sống của người khác trong gia đình, việc con cái ăn học, các chi phí thường nhật... Chỉ cần doanh nghiệp thiếu cẩn trọng hay thiếu tinh tế trong xử lý rất dễ đưa tình trạng đi xa hơn dự kiến và có thể là hậu quả khó kiểm soát.
Quang Nhân