Ảnh: N.Lân |
Xu thế năng lượng tái tạo
Tham luận các đại biểu chỉ rõ, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới hiện đang sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu, khí đốt với tỷ trọng lớn để tạo ra nguồn điện. Các nguồn năng lượng này đang khan dần lại tạo thách thức với môi trường. Bởi vậy, phát triển năng lượng tái tạo, tìm ra các nguồn năng lượng sạch, như năng lượng gió, mặt trời, thay thế nguồn năng lượng hóa thạch là xu thế tất yếu của Việt Nam và các nước trên thế giới. Nguồn năng lượng tái tạo hiện nay đang đóng góp 24% nguồn điện toàn cầu, dự kiến đến năm 2030 sẽ chiếm tỷ lệ 30%, năm 2050 là 50%...
Tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam) phát biểu hội thảo cho hay, nước ta được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Sự đa dạng của nguồn năng lượng này có sẵn trong thiên nhiên như: mặt trời, gió, thủy điện, sóng biển, thủy triều, dòng chảy, địa nhiệt… đã và đang được triển khai trên toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Không chỉ dọn dẹp ô nhiễm, rác trên hành tinh của chúng ta, giảm bớt sự nóng lên của trái đất mà các nguồn năng lượng trên sẽ không bao giờ cạn kiệt, khả năng tái tạo, có thể khai thác ở những nơi xa xôi nhất… Tuy nhiên, theo tiến sĩ Dư Văn Toán, việc thiếu cơ sở dữ liệu năng lượng tái tạo tin cậy về tiềm năng, trữ lượng; thiếu chuyên gia, tổ chức nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ tái tạo, công nghệ khai thác cũng như chi phí đầu tư cao là những thách thức ảnh hưởng đến việc phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta trong thời gian qua.
Tìm hướng ra năng lượng sạch tại Bình Thuận
Tại Bình Thuận, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo thuộc loại cao nhất cả nước, với nguồn gió, bức xạ nhiệt cao, ổn định, ít chịu ảnh hưởng gió bão. Ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý Điện và Năng lượng (Sở Công thương) cho rằng, phát triển điện gió, điện mặt trời trong tỉnh đang có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Hiện Bình Thuận đã có 3 nhà máy điện gió đi vào hoạt động với tổng công suất 60 MW, khoảng 140 triệu kWh/năm, nằm trong 20 dự án điện gió (tổng công suất hơn 812 MW) được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Tương tự, 21 nhà máy điện mặt trời cũng đã đi vào hoạt động, sản lượng điện thiết kế 1,76 tỷ kWh/năm, trong tổng số 95 dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư tại tỉnh… Ông Dương Tấn Long cũng chỉ rõ vướng mắc trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Bình Thuận để hướng đến phát triển bền vững nguồn năng lượng này gắn bảo vệ môi trường. Đó là giá mua điện gió thấp, trước đây chỉ 7,8 UScents/kWh, nay mới được điều chỉnh lên 8,5 UScents/kWh.
Các nhà đầu tư chưa đáp ứng năng lực quản lý, tài chính, dự án phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng; việc đền bù giải tỏa cho dự án gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, giá mua điện mặt trời khu vực Bình Thuận thuộc vùng IV có giá thấp nhất (6,67 UScents/kWh), áp dụng từ 1/7/2019, không khuyến khích được việc đầu tư khai thác tiềm năng điện mặt trời tại Bình Thuận. Hạ tầng lưới điện đấu nối, truyền tải hiện nay không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện. Ông Dương Tấn Long nêu kiến nghị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống đường dây truyền tải, các trạm biến áp 500 kV, 220 kV, 110 kV để giải phóng công suất cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió trên địa bàn Bình Thuận, Ninh Thuận; nước ta cần sớm xây dựng Luật Năng lượng tái tạo để tạo cơ sở pháp lý và chính sách phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho các địa phương có tiềm năng...
Thái Khoa