Các lồng bè ở Phú Quý buộc ngưng kinh doanh dịch vụ ăn uống. |
Nhà hàng nổi… mới được cấp phép
Thông tin trên khiến nhiều hộ đang kinh doanh dịch vụ ăn uống trên lồng bè ở khu Lạch Dù – xã Tam Thanh cảm thấy chới với. Cách đây khoảng 2 tháng, lãnh đạo UBND huyện cũng ra thông báo tạm thời ngưng nhận khách để khắc phục một số yêu cầu của ngành chức năng như phải có hố vệ sinh tự hoại, cuối ngày phải gom rác lên bờ, phương tiện đưa đón khách phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định, phải có đầy đủ áo phao, người điều khiển ca nô phải được đào tạo và cấp chứng chỉ… Sau 4 ngày ngưng hoạt động, các chủ lồng bè được đón khách trở lại sau khi ký cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các quy định trên. Tưởng rằng mọi việc đã ổn, nhiều người mạnh dạn đầu tư sửa chữa, nâng cấp bè cá, lắp hố vệ sinh tự hoại để đón khách. Nhưng mới hoạt động được 2 tháng, các chủ lồng bè lại nhận thông báo ngưng hoạt động nhưng không có thời gian cụ thể. Chủ lồng bè H.T cho biết: “Nhu cầu du khách ăn uống tại lồng bè rất nhiều, nếu chỉ cho tham quan, thì các chủ bè đang kinh doanh sẽ phá sản. Có người mới đầu tư 600 - 700 triệu đồng, giờ không cho hoạt động chúng tôi rất khó khăn”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Tạ Minh Nhựt cho biết, huyện đã tổ chức cuộc họp với các chủ lồng bè để quán triệt chỉ thị của UBND tỉnh về việc dừng dịch vụ ăn uống trên bè cá tại khu Lạch Dù, vì các hộ kinh doanh chưa đáp ứng được các yêu cầu của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Mặc dù lãnh đạo huyện rất muốn các lồng bè duy trì hoạt động này, nhưng theo quy định thì chưa đáp ứng được.
Theo Sở GTVT, các lồng bè nổi này xuất phát từ việc nuôi trồng thủy sản của bà con ngư dân kết hợp hoạt động kinh doanh, buôn bán tự phát nhiều năm nay. Do đó, hầu hết các lồng bè nổi đều không đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tiềm ẩn nguy cơ lật, chìm… Vì vậy, các lồng bè này phải được cải tạo, đóng mới thành nhà hàng nổi theo tiêu chuẩn quốc gia của Bộ GTVT.
“Tuy nhiên, việc thực hiện quy định trên cần phải có lộ trình cụ thể và thông báo cho các chủ lồng bè được biết, không nên cấm hoạt động đột ngột như hiện nay. Nhiều người đang thi lấy chứng chỉ lái ca nô theo quy định, đã đăng ký, đăng kiểm phương tiện, liệu những thủ tục trên còn hiệu lực hay không?”, một chủ lồng bè cho biết.
Ý kiến trái chiều
UBND huyện Phú Quý từng gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể để huyện có cơ sở quản lý hoạt động này. Tuy nhiên, UBND tỉnh cho rằng, theo quy định pháp luật, mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp kinh doanh ăn uống không đảm bảo an toàn cho du khách và yêu cầu huyện phải tăng cường quản lý và sớm xử lý dứt điểm dịch vụ này. Theo quy định, chỉ có nhà hàng nổi trên biển mới được đăng kiểm, cấp phép và kết hợp dịch vụ ăn uống. Được biết, nhiều địa phương có biển như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Côn Đảo, Lý Sơn… cũng từng phát triển rầm rộ mô hình này. Tuy nhiên, sau sự cố một bè bán hải sản trên vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) bị chìm cách đây 4 năm, khiến 2 người tử vong, 4 người bị thương và hàng trăm du khách hoảng loạn, các tỉnh, thành khác buộc phải cấm các bè nổi hoạt động nhằm ngăn ngừa “thảm họa”.
Trước thông tin buộc các lồng bè ngưng nhận khách ăn uống ở Phú Quý, đã tạo ra làn sóng tranh luận và có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Có người cho rằng muốn du lịch phát triển bền vững cần có quy hoạch cụ thể, nếu các lồng bè kinh doanh trong thời gian dài sẽ không tránh khỏi tình trạng rác và nước thải xả xuống biển gây ô nhiễm môi trường. Do đó việc cấm ăn uống trên bè là đúng. Tuy nhiên, cũng có người không đồng tình ngành chức năng thông báo đột ngột, khiến hàng chục lao động mất việc làm, các hộ kinh doanh mới đầu tư đứng trước nguy cơ phá sản và du lịch Phú Quý sẽ mất đi một điểm đến thú vị trong hành trình khám phá huyện đảo…
Theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa và Thông tư 43 ngày 23/10/2012 của Bộ GTVT, những lồng bè nổi dựa vào sức nổi của các thùng phi nhựa gắn xung quanh bè, sàn phía trên được làm bằng ván gỗ, dựng lên thành lán để phục vụ sinh hoạt không được coi là nhà hàng nổi. |
M.Vân