Theo dõi trên

Luật An ninh mạng là cần thiết và không cản trở tự do in-tơ-nét

15/08/2018, 08:57

Ngày 12-6-2018 Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật An ninh mạng. Bên cạnh sự đồng thuận của đông đảo người dân, dư luận vẫn có một số quan ngại về tự do in-tơ-nét do chưa hiểu đúng và đầy dủ về Luật mới ban hành này.

An ninh mạng là vấn đề an ninh phi truyền thống, còn khá mới mẻ nhưng ngày càng được thế giới quan tâm cả cấp vĩ mô và vi mô.

Ở Việt Nam hiện có trên 55% dân số đang sử dụng điện thoại di động, trên 52% dân số và đứng thứ 4 trên thế giới về thời gian sử dụng in-tơ-nét, đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng mạng xã hội. Hằng năm, Việt Nam phải chịu hàng ngàn cuộc tấn công mạng và Việt Nam đứng thứ 20 trên thế giới về xếp hạng các quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất, chịu thiệt hại lên tới 10.400 tỉ đồng riêng năm 2016 so với mức 8.700 tỉ đồng năm 2015. Quý I năm 2017, cả nước có khoảng 7.700 trang/cổng thông tin điện tử bị tấn công mạng dưới các hình thức như lừa đảo, cài mã độc, thay đổi giao diện… Trong nửa đầu năm 2017, cả nước có hơn 4.600 trang thông tin có tên miền quốc gia bị tin tặc tấn công hoặc chiếm quyền điều khiển, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này, có 148 trang web thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước, nơi tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, mà tin tặc có thể khai thác và chiếm đoạt. Nhiều thông tin, tài liệu bí mật nhà nước, ngành hàng không, ngân hàng, viễn thông có nguy cơ bị rò rỉ và phá hoại nghiêm trọng.

                
      
            Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ tán thành    86,86%. Ảnh: TTXVN

Thực tế trong nước và thế giới cho thấy, một tin đồn thất thiệt về tình trạng tài chính, nhân sự cấp cao, giám đốc ngân hàng bỏ trốn hay bị bắt, đặc biệt, tin đồn về đổi tiền hay đại loại như vậy,… đều trực tiếp và gián tiếp gây tác động xấu tới sự ổn định của các tổ chức tài chính - tín dụng có liên quan và có thể gây hiệu ứng lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế. Hậu quả càng lớn khi thông tin mập mờ, suy luận thiếu căn cứ, nguồn tin không rõ ràng và khó xác minh cụ thể, còn bản thân đơn vị, cơ quan chức năng chậm phản ứng xử lý chính thức, không minh bạch thông tin, không chủ động công bố thông tin cần thiết. Do đó, an toàn thông tin càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh bùng nổ cách mạng công nghệ truyền thông, in-tơ-nét vạn vật và mạng xã hội gia tăng kết nối toàn cầu, hệ thống máy tính kết nối tự động ngày càng can thiệp sâu hơn vào các hoạt động tài chính - đầu tư thế giới; đồng thời có sự gia tăng yêu cầu công khai, minh bạch hóa và dân chủ hóa về thông tin trong xã hội cởi mở và văn minh. Không chỉ những thông tin bộc phát, xuất phát từ những hiểu lầm, nhiều thông tin tiêu cực được ngụy tạo và tung ra vào thời điểm nhạy cảm, đã gây hoang mang và mài mòn sự tự tin trong xã hội, đẩy người dân và nhà đầu tư triển khai các phương án an toàn cho tài sản của mình, mà vô tình không biết mình đang tiếp tay cho những kẻ tung tin trục lợi. Thực tế truyền thông thời gian gần đây cho thấy, việc rút tít và diễn đạt thiếu cẩn thận có thể gây hiểu lầm Bitcoin là tiền và Việt Nam đã cho phép dùng nó như ngoại tệ, kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm.

Bởi vậy, trong thời kỳ cách mạng công nghệ phát triển, chúng ta cần khai thác tối đa ưu thế của cách mạng công nghệ, nhưng mặt khác cũng đòi hỏi phải quản lý, phòng tránh lợi dụng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng và bảo vệ quyền công dân. Đây phải là trách nhiệm chung của các cơ quan chức năng, tổ chức, cơ quan truyền thông, cộng đồng xã hội và cá nhân có liên quan. 

Để bảo đảm an ninh mạng, Việt Nam đã thành lập cơ quan chuyên trách về an ninh mạng (Lực lượng 47) chuyên trách đấu tranh trên không gian mạng và Việt Nam không phải là nước duy nhất có đội quân trên mạng. Đặc biệt, ngày 12-6-2018, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, với số phiếu tán thành đạt 86,86% trong tổng số 95,69% đại biểu tham gia bỏ phiếu.

Trong Luật An ninh mạng, những hành vi bị cấm cũng đã được quy định trong các luật và bộ luật khác, như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự,… của Việt Nam. Cụ thể, các Điều 8, Điều 16, Điều 17 quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng không gian mạng gồm soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bao gồm tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc); kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng (bao gồm kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự); làm nhục, vu khống (bao gồm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác); xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (bao gồm thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán); thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. 

Luật cũng nghiêm cấm các hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng (bao gồm chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật; cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại; hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư). Các hành vi khác (bao gồm chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng in-tơ-nét; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền in-tơ-nét; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng; giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép; tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật; hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hành vi khác sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi…

Đồng thời, Luật An ninh mạng cũng quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của chủ quản hệ thống thông tin, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và cơ quan có thẩm quyền, cùng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng in-tơ-nét và các dịch vụ gia tăng, các tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng trong quản lý, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ chỉ những thông tin trên mạng có nội dung bị cấm như trên…

Như vậy, về tổng thể, những quy định trong nội dung Luật An ninh mạng của Việt Nam là cần thiết và theo xu hướng chung trên thế giới về quy định pháp lý bảo đảm an ninh mạng; đáp ứng yêu cầu thực tiễn chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đặc biệt, không cản trở tự do in-tơ-nét và tự do ngôn luận lành mạnh và được pháp luật bảo hộ của người dân ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để ngăn chặn sự xuyên tạc và ngộ nhận, làm méo mó ý nghĩa tích cực của Luật An ninh mạng, để tránh lạm dụng và giúp nhận thức, tuân thủ tốt hơn các quy định trong Luật An ninh mạng, các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa thêm, làm rõ một số định nghĩa và mức độ chế tài, quy trình và cơ chế phối hợp xử lý những hành vi bị cấm trong sản xuất, lưu hành, tàng trữ và sử dụng thông tin trên không gian mạng. Đặc biệt, cần minh bạch và cụ thể hóa một số khái niệm, tiêu chí vi phạm mới, nhạy cảm, như: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc…”.

Đồng thời, theo chức năng và phân cấp quản lý, các cơ quan thuộc Chính phủ cần chủ động tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến bảo đảm an ninh thông tin; nâng cao năng lực, hiệu lực, trách nhiệm và sự phối hợp thông tin và quản lý thông tin; thực hiện tốt quy chế phát ngôn và người phát ngôn, cung cấp định kỳ, công khai đầy đủ và cập nhật hệ thống các thông tin chính thức theo quy định của Nhà nước và yêu cầu hội nhập; bảo đảm trách nhiệm giải trình của người đứng đầu theo luật định; đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và thực thi, kiểm tra, đánh giá toàn diện các chuẩn quốc gia và chứng nhận hợp chuẩn về bảo đảm an ninh, hệ thống các quy định, quy trình bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng và truyền thông quốc gia; phát hiện, phòng ngừa sự cố, khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật của hệ thống thông tin quốc gia và công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin tại các cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư; tổ chức nghiên cứu khoa học, giải pháp, công nghệ, thử nghiệm, ứng dụng, sản xuất, cung cấp hệ thống bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia; thu hút, giáo dục, bồi dưỡng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, chuyên gia an ninh mạng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia.

Các doanh nghiệp kinh doanh, tổ chức cần coi trọng công tác truyền thông, chủ động cung cấp thông tin trên các cổng thông tin nội bộ và cho báo chí, không chỉ các thông tin tốt, mà các thông tin bất lợi cũng cần được minh bạch và công khai theo các mức độ khác nhau, tránh sự đồn đoán gây ra những hiểu lầm hoặc những cách hiểu ngược trong truyền thông xã hội và công chúng. Chủ động nắm bắt, thích nghi và thay đổi kịp thời với xu thế công nghệ mới, định hình lại mô hình kinh doanh và quản trị; nâng cấp trung tâm dữ liệu dự phòng, cải thiện năng lực xử lý các thách thức về vấn đề bảo mật thông tin và an ninh mạng, đối phó hiệu quả với các loại tội phạm công nghệ cao...

Các cơ quan báo chí và quản lý truyền thông cần đề cao trách nhiệm xã hội trong các hoạt động truyền thông; tuân thủ luật báo chí và các luật định liên quan đến thông tin và bí mật thông tin quốc gia; chủ động và kịp thời thông tin chính xác, minh bạch, chọn lọc và có cân nhắc, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường và chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, vừa có tính định hướng đúng đắn và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong dư luận xã hội. Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm chủ động phối hợp nhận diện và loại bỏ thông tin có nội dung sai lệch, độc hại, gây nhiễu nhận thức trên không gian mạng; nâng cao trình độ chuyên môn và thận trọng trong sử dụng thuật ngữ chuyên ngành và rút tít bài báo, tránh bình luận dễ dãi, ham rút tít giật gân, sử dụng ngôn từ mạnh để thu hút độc giả, mà coi nhẹ chất lượng thông tin (nhất là thông tin chưa, thiếu kiểm chứng) và chuyên môn, vô tình hay cố ý làm sai lệch thông tin và trục lợi cá nhân. Đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi và tăng cường xử phạt đối với những hành vi cung cấp, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín và làm tổn hại danh dự, nhân phẩm và những lợi ích chính đáng của Nhà nước, tổ chức, cá nhân… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ truyền thông và tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng nội bộ; chủ động xây dựng các kịch bản đối phó với khủng hoảng truyền thông và sự cố kỹ thuật, chủ động các giải pháp phòng ngừa và khắc phục nguy cơ mất an ninh, an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước và cơ quan, nâng cấp các “tường lửa” và cập nhật, hiện đại hóa các thiết bị bảo mật, phần mềm, công cụ kỹ thuật để ngăn chặn, hạn chế truy cập tới các vùng thông tin do Nhà nước quản lý khi có yêu cầu; bảo đảm trang bị hiện đại cho cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia và tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra, đánh giá công tác bảo đảm an ninh hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia vì sự phát triển bền vững chung của đất nước …/.

Nguyễn Trần Minh Trí- Viện Kinh tế & Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam/ Tạp chí Cộng sản



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật An ninh mạng là cần thiết và không cản trở tự do in-tơ-nét