Theo dõi trên

Luật Việc làm (sửa đổi): Đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

06/11/2024, 05:33

Mới đây, Ủy ban Xã hội tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 15 để thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Theo chương trình kỳ họp thứ 8 được Quốc hội thông qua, vào ngày 9/11, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Quốc hội sẽ làm việc tại tổ thảo luận dự án Luật Việc làm (sửa đổi)...

Khắc phục những hạn chế của Luật Việc làm

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 15, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị Luật Việc làm (sửa đổi) xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới và các nghị quyết, chỉ thị liên quan.

img_8202.jpeg
Lao động làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Right Rich - KCN Hàm Kiệm II.

Sửa đổi Luật Việc làm cũng nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các luật mới được sửa đổi, bổ sung (Bộ luật Lao động 2019, Luật Cư trú 2020, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Luật Bảo hiểm xã hội 2024…); phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết trong lĩnh vực việc làm mà Việt Nam tham gia như Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; Công ước về quyền trẻ em, Công ước về người khuyết tật, các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký lao động. Đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.

Bổ sung nhiều nội dung cụ thể

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung cụ thể. Đó là quy định về đăng ký lao động đối với: Người lao động có việc làm (người có việc làm thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người có việc làm không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) và người thất nghiệp (người lao động không có làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc). Cơ chế đăng ký, điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động được thực hiện theo hướng: Đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin cho người lao động cùng lúc khi nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024; Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người thất nghiệp: Theo cơ chế khuyến khích tự nguyện, khi người lao động có nhu cầu thì nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin lao động qua Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ở hiện tại.

Đồng thời, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm. Sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và một số sửa đổi, bổ sung khác như: Bổ sung các quy định hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, các chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ thúc đẩy việc làm theo hướng bền vững; Bổ sung quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử và quy định về sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia; Sửa đổi quy định về hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công theo hướng thu gọn đầu mối và chuyên nghiệp hóa; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp...

Trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 8

Đưa ra ý kiến thẩm tra dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Xã hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo; Hồ sơ dự án Luật thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị của cơ quan soạn thảo; đồng thời hồ sơ cũng đã đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động đối với những chính sách mới so với Luật hiện hành. Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên và người cao tuổi, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, làm rõ các chính sách hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, các chính sách đối với người cao tuổi cần đảm bảo thống nhất với các luật có liên quan về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Đối với các vấn đề về trình tự đăng ký lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định về trình tự lao động đối với người lao động đang làm việc cho người sử dụng lao động nhưng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại doanh nghiệp, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, người quản lý doanh nghiệp... Bổ sung quy định nhằm tránh sự trùng lặp trong việc đăng ký lao động đối với người lao động thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khác nhau; vấn đề đăng ký thông tin người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của pháp luật. Đồng thời làm rõ và xử lý thông tin về lao động khi có sự khác nhau về mặt thông tin, liên thông dữ liệu với các doanh nghiệp trong cơ quan bảo hiểm xã hội. Thực tế hiện nay người lao động có bằng cấp, trình độ, chứng chỉ chuyên môn nhưng để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, đôi khi họ không cung cấp thông tin một cách đầy đủ, ảnh hưởng tới việc quản lý người lao động…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tích cực triển khai công việc trong quá trình xây dựng dự án Luật. Các ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm tại phiên họp sẽ được tiếp thu đầy đủ. Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra và các tài liệu liên quan để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8...

Trung tuần tháng 9, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự phiên họp Thường trực Ủy ban Xã hội mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Tại phiên họp, đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về sự cần thiết sửa đổi luật, phạm vi điều chỉnh, các chính sách mới của dự thảo luật, quy định về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thực hiện Luật; tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật; chế độ thất nghiệp; các quy định về hỗ trợ học nghề; về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, làm rõ trong 11 chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung, thay thế, chính sách nào tạo điểm nhấn, bước tiến mới trong lĩnh vực việc làm. Những nội dung nào đã chín, đã rõ cần quy định cụ thể trong dự thảo luật, những nội dung nào dự lường trong 10 -15 năm tiếp theo cần quy định về nguyên tắc. Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi luật cần dự báo những vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới; đặc biệt những điểm mới của dự thảo luật phải giải quyết được những bức xúc, bất cập, điểm nghẽn hiện hành như thị trường lao động, chất lượng việc làm, quan hệ lao động, môi trường làm việc của người lao động…

KIM ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã chú trọng triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm góp phần tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền về công tác này ngày càng được nâng cao, nhất là trong việc thực hiện “Chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”...
Nổi bật
Thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội
Quốc hội khóa XV vừa họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 vào chiều 30/11. Để cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin của kỳ họp, đồng thời theo dõi hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa XV.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật Việc làm (sửa đổi): Đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao