Theo dõi trên

Mai này Hòn Rơm

06/01/2022, 19:56

BT- Ngày 4/1/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 06 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Khu biệt thự cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng Đồi Hòn Rơm tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết.

Đây là tin vui, ít nhất là với Công ty cổ phần Thiên Hải, chủ đầu tư dự án trên khi 7 tháng trước đó, đã bị UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1265 xử lý vi phạm hành chính với số tiền 300 triệu đồng, vì triển khai xây dựng dự án nhưng không có báo cáo ĐTM được phê duyệt theo quy định. Tiếp nữa, cũng đã bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt vì xây dựng công trình không phép…

z3086289053456_2eb20e1a1062e5a2988870f2661d86d3.jpg
Hiện trạng Hòn Rơm.

Sai đâu, sửa đó

Trong những ngày cuối năm 2021, dự án Khu biệt thự cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng Đồi Hòn Rơm tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết đã phải dừng tất cả các hoạt động thi công để hoàn chỉnh cũng như chờ phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án. Điều đáng chú ý vì sao 1 dự án có quy mô đến 85,7 ha tại một vị trí đặc biệt là Đồi Hòn Rơm sát biển, thuộc đất quốc phòng, đã được Bộ Quốc phòng đưa ra ngoài, giao về tỉnh để cho chủ đầu tư triển khai dự án nhưng lại vi phạm thủ tục đầu tư cơ bản trên?

Thực tế diễn ra cho thấy, cũng chính vì ở vị thế đặc biệt trên khiến dự án vướng mắc nhiều thủ tục pháp lý liên quan. Cụ thể, hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM của dự án đã được Trung tâm Hành chính công tỉnh tiếp nhận vào tháng 8/2018. Tuy nhiên, lại bị chậm cho đến thời điểm này. Theo lý giải của Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Thuận, qua cuộc họp thẩm định báo cáo ĐTM của dự án vào tháng 10/2018, có một số nội dung mà các thành viên hội đồng thẩm định góp ý phải chỉnh sửa, như khối lượng nước sử dụng cũng như khả năng và giải pháp cung cấp nước cho dự án…Công ty có tiếp thu chỉnh sửa các nội dung, tuy nhiên với việc rà soát thêm các công trình xây dựng của dự án có đảm bảo khoảng cách từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm thì bị trở ngại. Vì việc xác định ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển chưa được thực hiện nên khó khăn cho việc điều chỉnh lại các hạng mục thiết kế của dự án. Thêm nữa, công ty đã thực hiện điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết xây dựng nhưng hiện nay do UBND tỉnh chưa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Phan Thiết nên cũng chưa có cơ sở để điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án.

Trong tình huống trên, Công ty cổ phần Thiên Hải có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, cho phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tại Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 3/5/2018. Để từ đây, công ty có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo của dự án, trong đó có phần chồng lấn với đường mực nước triều cao trung bình năm đã được ban hành. Và hiện tại, kiến nghị được phê duyệt ĐTM của dự án đã được giải quyết. Theo quy định, chủ dự án tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch 1/500; thực hiện phòng cháy chữa cháy; có kết quả thẩm định của ngành chức năng về thiết kế cơ sở, kinh tế kỹ thuật dự án để từ đó được cấp giấy phép xây dựng. Lúc này, đơn vị mới thi công dự án. Tất nhiên, chính quyền cũng nỗ lực trong đẩy nhanh tiến độ để sớm phê duyệt quy hoạch chung TP.Phan Thiết.

Hòn Rơm - hòn xanh

Theo Công ty cổ phần Thiên Hải, tại Văn bản số 2460/SXD-QHKT ngày 30/7/2018, công ty được Sở Xây dựng cho phép dọn dẹp mặt bằng và xây dựng tạm rào chắn. Và việc bóc lớp thực bì Hòn Rơm nằm trong kế hoạch dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị cho công tác thi công. Tuy nhiên, thời gian qua có một số ý kiến phản ánh rằng dự án đã “cạo trọc” Hòn Rơm khi chưa được phép, điều này không đúng bản chất sự việc, khiến nhiều người hiểu nhầm Hòn Rơm trước đó được phủ xanh, có hệ sinh thái đa dạng.

z3086289715858_1730ecb04995af352913a2b429094803.jpg
Dự kiến sau khi đầu tư hoàn thành.

Theo đánh giá báo cáo tác động môi trường của Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường Bình Thuận, khu vực xây dựng dự án trước đây là đất đồi núi và đất doanh trại quân đội. Hiện nay, đất doanh trại quân đội đã được hoán đổi qua vị trí khác nên khu đất không nằm trong quy hoạch đất lúa, quy hoạch đất quốc phòng, đất giao thông, đất khoáng sản... Hiện trạng phần lớn là đất trống, diện tích trên đất có cỏ và cây bụi nhỏ, mật độ thưa thớt.

Ai biết Hòn Rơm đều rất rõ vì sao có tên gọi như thế. Nhìn từ xa, phía biển hay phía Lầu Ông Hoàng sẽ thấy đám cỏ vàng lớn như rơm nên có tên là Hòn Rơm. Cũng chính từ đặc điểm đó sẽ hình dung nơi này là đất đồi núi, mà dưới 3 tấc đất là đá, lại không có nước nên chỉ có cây lùm bụi sinh sống và bị vàng úa vào mùa khô. Thực tế, đất ở đây bỏ trống, vì sử dụng đất không hiệu quả nhưng khi phát triển du lịch lại trở thành vị thế độc đáo, hấp dẫn. Chính thế đứng đặc biệt ấy, Công ty cổ phần Thiên Hải mới kết hợp các yếu tố địa hình và đồi sẵn có tạo nên đặc trưng cảnh quan của dự án, hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao và các dịch vụ du lịch cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mà chuẩn 5 sao quốc tế là phải xanh mát, bắt buộc chủ đầu tư dự án phải biến Hòn Rơm thành hòn xanh. Theo hình mô phỏng sau khi dự án được đầu tư cho thấy Hòn Rơm thật sự xanh, những khu biệt thự cao cấp, khu khách sạn, bungalow nằm ẩn mình dưới bóng cây.

Giới đầu tư du lịch phân tích, để trồng được cây xanh lớn, tạo bóng mát, bắt buộc chủ đầu tư phải bóc tách lớp nền của Hòn Rơm đến 5 m rồi bồi đắp lại đất dinh dưỡng với chừng ấy mét thì mới hy vọng tạo được mảng xanh. Vì vị thế hấp dẫn có thể tạo ra nơi nghỉ dưỡng ở trên cao và sát biển nên chủ đầu tư tận dụng hết thế mạnh này. Do đó, quan điểm không nên chấp thuận chủ trương dự án trên Hòn Rơm, vì lo sợ Hòn Rơm sẽ bị phá vỡ, sẽ mất Hòn Rơm vốn đã thành di tích dân gian khiến lớp con cháu không biết đến là chưa nhìn thấy hết tổng quan của kế hoạch phát triển của khu du lịch Mũi Né - Phan Thiết nói riêng và du lịch Bình Thuận nói chung. Đây chính là 1 trong 3 trụ cột mà Nghị quyết tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định để nâng cao chất lượng sống cho người dân Bình Thuận trong tương lai.

Ông Hồ Văn Tòng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Mũi Né, TP.Phan Thiết, năm nay đã 60 tuổi, cho rằng, chuyện công ty triển khai thi công khi chưa được phê duyệt ĐTM là không chấp nhận được, nhưng sai đâu, sửa đó. Còn chuyện đầu tư dự án du lịch tại Hòn Rơm là ông rất ủng hộ ngay từ những ngày đầu, khi chủ đầu tư thực hiện bước lấy ý kiến nhân dân. Người dân ở Mũi Né cũng thế, vì thực tế tại buổi lấy ý kiến trên, không có 1 ý kiến nào phản đối. Người dân mong dự án này nói riêng, các dự án du lịch khác nói chung tại phường triển khai hoạt động để giúp họ bán được hải sản với giá cao hơn, tạo công việc làm trực tiếp lẫn gián tiếp cho dân địa phương. Ngoài góp phần tăng ngân sách, còn biến vùng đất trống, đồi trọc trở thành vùng phát triển du lịch, dịch vụ. Ông Tòng tin, mai này, Đồi Hòn Rơm sẽ đẹp lên với nhiều sắc màu…

Khu biệt thự cao cấp du lịch nghỉ dưỡng Đồi Hòn Rơm (Hon Rom Hills) tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận thời kỳ đến năm 2020 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 28/11/2013 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 – 2015 và một số chủ trương phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 về xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia.

BÍCH NGHỊ


(1) Bình luận
Bài liên quan
Giáng sinh mùa dịch ở Khu du lịch quốc gia Mũi Né
Thay vì những ồn ào náo nhiệt của những năm trước, Giáng sinh năm nay ở Khu du lịch quốc gia Mũi Né diễn ra khá lặng lẽ.
Nổi bật
Tập trung giải ngân vốn các Chương trình Mục tiêu Quốc gia
BTO-Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giai đoạn (2021 - 2025) vừa tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến đến các địa phương nghe báo cáo tình hình thực hiện, giải ngân các Chương trình MTQG tháng 12/2024 và triển khai nhiệm vụ tháng 1/2025. Ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì cuộc họp.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mai này Hòn Rơm