Lâm Hồng Long là một nhiếp ảnh gia sinh năm 1925 tại Phước Lộc (La Gi). Dù xuất thân trong gia đình bán thuốc bắc nhưng không theo nghiệp gia đình mà theo học và làm thợ ảnh. Theo Địa chí Bình Thuận, năm 1944, ảnh của Lâm Hồng Long được đăng trên báo Tiếng vang (L’Echo) tại Sài Gòn. Tháng 8/1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Phan Thiết, sau đó hoạt động trong phong trào Hoa kiều chống Pháp. Sau năm 1954, Lâm Hồng Long công tác tại miền Bắc, là phóng viên nhiếp ảnh thời sự của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Đặc biệt, đầu năm 1973, ông được cử vào đoàn phóng viên phản ánh những hoạt động của đại biểu nước ta sang Paris (Pháp) ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Năm 1975, ống kính của Lâm Hồng Long có mặt khắp các chiến trường Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hòa, Sài Gòn - Gia Định để phản ánh những thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc. Năm 1981 ông nghỉ hưu và sống tại Tp. Hồ Chí Minh. Ông lâm bệnh và mất năm 1997, thọ 72 tuổi.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long - Ảnh tư liệu của TTXVN.
Trong cuộc đời cầm máy của mình, Lâm Hồng Long để lại nhiều tấm ảnh phản ánh các sự kiện chính trị, quân sự, ngoại giao có tính lịch sử trọng đại và giá trị nghệ thuật cao, như: Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn, Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam, Bác Hồ tặng hoa mẹ Suốt, B.52 cháy trên bầu trời Hà Nội,… Trong số đó phải kể tới bức Mẹ con ngày gặp mặt chụp lại cảnh người tử tù Lê Văn Thức ôm chầm mẹ mình là bà Trần Thị Bính vào ngày 6/5/1975 tại bến Rạch Dừa (Vũng Tàu).
Mẹ con ngày gặp mặt – Nguồn ảnh: TTXVN.
Theo Thông báo khoa học số tháng 7/2007 của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, ngày 6/5/1975, Lâm Hồng Long cùng các phóng viên của TTXVN và đoàn cán bộ chính quyền cách mạng chờ đón 35 chiến sĩ tử tù từ Côn Đảo trở về đất liền, trong đó có anh Lê Văn Thức. Phút giây người mẹ gặp lại con trai tưởng như đã chết, thật không ngờ và quá xúc động nên hai mẹ con cùng bật khóc “Thức ơi, Má cứ tưởng con chết rồi!”. Bằng trải nghiệm cá nhân (ngày 19/4/1975, Lâm Hồng Long về Phan Thiết và cũng gặp lại mẹ mình sau 20 năm xa cách), tâm hồn nghệ sĩ nên Lâm Hồng Long đã nhanh tay ghi lại được thời khắc quý hiếm đó. Khoảnh khắc độc nhất vô nhị, ghi lại một dấu mốc lịch sử quan trọng của ngày vui sum họp. Tấm ảnh đáng được xem là biểu tượng cho sự đoàn tụ dân tộc, niềm vui giải phóng.
Đã 47 năm từ ngày tác phẩm ra đời, hôm nay xem lại Mẹ con ngày gặp mặt trong mỗi chúng ta đều chung một nỗi niềm về gia đình, quê hương, đất nước. Được biết bức ảnh hiện đang được trưng bày tại hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội). Bức ảnh cũng được Liên đoàn nhiếp ảnh quốc tế trao Bằng danh dự năm 1991. Đây là vinh dự không chỉ của riêng tác giả Lâm Hồng Long, của giới Nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh nhà mà còn là vinh dự của nền nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam.
Với nhiều đóng góp cho nghệ thuật nhiếp ảnh, năm 1996, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên, cho 2 tấm phẩm Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn và Mẹ con ngày gặp mặt.