Theo dõi trên

Miền Tây hạn, mặn nghiêm trọng nhất 100 năm

17/02/2016, 15:28

Hạn hán và xâm nhập mặn được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất 100 năm qua, gây thiệt hại nặng nề các tỉnh miền Tây.

                
      
         Hàng chục nghìn ha lúa ở miền Tây chết do nước mặn xâm nhập. Ảnh: Cửu    Long

"Dù chúng ta có biện pháp ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra và sẽ nghiêm trọng hơn, do vậy cần phải cấp bách thống nhất các biện pháp ứng phó thiên tai", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói tại Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, sáng 17/2.

Theo Bộ trưởng Phát, trước mắt phải bảo vệ vụ lúa đông xuân 1,55 triệu ha trên đồng, sau đó tính chuyện an toàn cho vụ hè thu cũng như đời sống sản xuất của người dân. Đồng thời, địa phương phải có giải pháp tầm nhìn tương lai để ứng phó với tình trạng hạn và xâm nhập mặn khốc liệt, gay gắt hơn.

                
      
         Nạo vét kênh mương nội đồng để giữ ngọt ở vùng bán đảo Cà Mau. Ảnh: Cửu    Long

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp cho thấy, năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20-50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông Me Kong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua.

Mùa khô năm nay do thiếu nước ngọt, mặn xuất hiện sớm 2 tháng và nhiều khả năng kết thúc muộn. Hiện, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu 40-93 km, tăng 10-15 km so với các năm trước.

Gần 340.000 ha trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân đang sản xuất tại miền Tây có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn. Trong đó, 104.000 ha lúa bị thiệt hại nặng nề, hàng chục nghìn ha bị chết.

Tỉnh Vĩnh Long nằm rất xa biển nhưng lần đầu bị nước mặn tấn công. Tỉnh Kiên Giang công bố tình trạng thiên tai hơn 40.000 ha lúa bị chết, đời sống sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Nhiều khả năng, các địa phương Bến Tre, Trà Vinh, Vị Thanh, Rạch Giá thiếu nước ngọt sinh hoạt từ 2 tháng trở lên.

                
      
         Hệ thống cống đập ở các địa phương ven biển tại miền Tây được đóng    kín để trữ nước ngọt. Ảnh: Cửu Long

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lương thực, chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Do vậy việc phòng chống hạn, mặn cho vùng này là vấn đề sống còn.

"Trước mắt nên làm đê bao khép kín giữ ngọt, ngăn mặn tại những vùng sản suất trọng điểm như tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười... Về lâu dài, Chính phủ nên làm việc với các nước xung quanh để phối hợp giải quyết, thống nhất các biện pháp đảm bảo nguồn nước ngọt, chống hạn, mặn", ông Nguyễn Phong Quang - Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - nói.

Theo Vnexpress



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Miền Tây hạn, mặn nghiêm trọng nhất 100 năm