Theo dõi trên

Mô hình nuôi dê lai ở Thuận Hòa

23/06/2021, 08:48

BT- Hàm Thuận Bắc là huyện có số lượng đàn dê, bò, trâu, cừu khá cao. Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả đã được ngành nông nghiệp triển khai. Tại xã Thuận Hòa, mô hình nuôi dê giống chất lượng cao đang nhận được phản hồi tích cực của người dân.

Đàn dê của ông Nguyễn Văn Chẩn, thôn Dân Lễ, xã Thuận Hòa. Ảnh: Ninh Chinh

 Những năm vừa qua, phần lớn đàn dê ở xã Thuận Hòa là giống Cỏ (số ít là giống Bách Thảo) cho sản lượng thịt thấp, chậm lớn. Ông Nguyễn Văn Chẩn (thôn Dân Lễ, xã Thuận Hòa), hơn 6 năm nuôi giống dê Bách Thảo cho biết, lứa dê vừa rồi bán ra giá thấp hơn lứa trước. Nếu dê bị bệnh, chậm lớn làm giảm thu nhập hộ chăn nuôi. Nhằm cải thiện giống dê trên địa bàn và thay dần giống dê kém hiệu quả, tháng 8/2020, ngành nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nuôi dê lai giống Boer. Bà Nguyễn Thị Thúy, cán bộ nông nghiệp xã Thuận Hòa, cho biết: Để chuyển giao hiệu quả, bà con được tập huấn cách nuôi đúng kỹ thuật, đồng thời chất lượng đàn dê cái phải đạt chuẩn. Sau 5 tháng triển khai, dê của mô hình đã phối với 80 con dê cái. Đến nay đã có hộ chuẩn bị xuất chuồng.

Boer lai là giống dễ nuôi, ít bệnh, và nhu cầu thị trường lớn. Chất lượng thịt cao, trọng lượng thịt tăng từ 25 - 35% so với các giống dê hiện có. Việc chuyển giao mô hình hợp lý đang nhận được phản hồi tích cực của bà con. Hộ nông dân Nguyễn Văn Chẩn là một trong những hộ tiên phong triển khai mô hình này. Hơn 7 tháng tập huấn ở tỉnh cách nuôi, chăm sóc dinh dưỡng, ông được hỗ trợ giống đực Boer Mỹ có giá trị 12 triệu đồng/con.

Kết hợp nuôi chuồng trại và chăn thả, hiện nay ông đang nuôi 40 con dê. Trong đó, giống dê đực của mô hình được ông đánh giá là có sức đề kháng tốt, chịu nhảy cái mạnh. Ông phấn khởi chia sẻ: Ban đầu, giống này chưa thích nghi nhưng nhờ các cán bộ khuyến nông của thôn xuống hướng dẫn, đến nay sức đề kháng của dê khá tốt. Đàn có hơn 30 con dê cái đang chịu bầu, khoảng 1 tháng nữa cho lứa con lai. Dự tính sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Nhận thấy thế mạnh từ giống lai, ông Mang Dân (thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa), quyết định đầu tư làm chuồng trại để thực hiện mô hình. Biết cách chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật cộng thêm công chăm sóc chu đáo, đàn dê của ông sinh sản nhanh, sớm cho lứa lai. Đến nay, gia đình ông đang nuôi gần 50 con dê.

Nuôi dê theo hình thức nhốt chuồng kết hợp với mô hình đem lại hiệu quả cao. Bà con đỡ công chăn thả, dê hạn chế lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài. Giống dê Boer được đánh giá là dễ tính, ít bệnh nhưng chuồng trại phải cao ráo, sạch sẽ, tránh ẩm ướt, tạo môi trường trong lành cho đàn dê. Ông Mang Dân chia sẻ thêm: Lợi thế của nuôi nhốt chuồng là khi có con nhiễm bệnh, mình cách ly đàn được ngay. Nhờ chăm sóc tốt nên lứa dê lai đầu này đẹp, phát triển nhanh. Với mô hình nuôi dê lai này, mình vừa bán thịt vừa bán giống được, cải thiện kinh tế gia đình.

Theo đó, dê xuất chuồng có trọng lượng 25 - 40kg/con, giá bán từ 150.000 - 170.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm ông có thể xuất bán 40 con dê thịt. Sau khi trừ hết các chi phí đầu tư, mỗi năm ước tính đem lại lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Hiện ông Mang Dân đang đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại, dự tính mở rộng số đàn. Theo người dân cho hay, nuôi dê đem lại lợi nhuận kinh tế nhanh, chi phí đầu tư thấp, nhanh lớn. Giống Boer lai nếu chăm sóc tốt, 2 năm dê đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con, mỗi con trung bình nặng 3 kg. So với các giống dê hiện có trên địa bàn, nuôi giống Boer lai đang cho thấy những tín hiệu tích cực.

Được biết, mô hình đang hỗ trợ 5 hộ dân trên địa bàn các thôn: Dân Hòa, Dân Hiệp, Dân Trí, Dân Lễ bằng phương pháp nuôi nhốt và bán chăn thả. Tận dụng thế mạnh nông nghiệp sẵn có của địa phương, kết hợp chuyển giao mô hình chăn nuôi hiệu quả, xã Thuận Hòa đang góp phần nâng cao kinh tế nông nghiệp cho người dân.

 Kim HuỆ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình nuôi dê lai ở Thuận Hòa