Theo dõi trên

Mô hình trồng rau thủy canh ở Đức Linh

28/07/2020, 10:11

 BT- Huyện Đức Linh là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, không chỉ nổi tiếng là “vựa” của những loại nông sản như: bưởi da xanh, hồ tiêu, lúa, cao su… mà những năm gần đây, Đức Linh còn được biết đến bởi những nông sản mới được sản xuất từ mô hình liên kết mang tính bền vững, ứng dụng công nghệ cao.

                
      Nhiều người dân đến tham quan mô hình.

Người tiên phong trồng rau thủy canh

 Bài bản, chuyên nghiệp là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tới thăm vườn rau thủy canh có quy mô lớn của gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh. Vườn rau xanh mướt được trồng theo phương pháp thủy canh với đầy đủ các loại rau như: cải ngồng, cải thìa, bó xôi, xà lách, rau muống… được bố trí theo từng khu, từng tầng ngăn nắp, khoa học theo độ tuổi của từng loại rau. Việc bố trí này vừa giúp cây phát triển, vừa giúp chủ vườn dễ dàng chăm sóc và thu hoạch hơn.

Chị Hòa cho biết: “Nhận thấy nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng, tôi mạnh dạn tìm tòi, học hỏi về mô hình trồng rau thủy canh. Mặc dù chi phí đầu tư khá cao nhưng tôi vẫn quyết tâm xây dựng, nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch cho gia đình và cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe”.

Nghĩ là làm, đầu năm 2018 chị mạnh dạn gom góp 300 triệu đồng đầu tư xây dựng nhà lồng, lắp ráp hệ thống dẫn nước trên 300m2 đất để trồng rau theo phương pháp thủy canh. Lứa rau đầu tiên do kinh nghiệm chưa có nên chị Hòa gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc, ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, không bỏ cuộc, chị chủ động đi tham quan các mô hình ở các tỉnh bạn đồng thời học hỏi, tìm tòi về kỹ thuật trồng rau thủy canh trên internet. Nhờ đó, đợt rau thứ 2 chất lượng cũng như năng suất tốt hơn nhiều so với đợt đầu.

Thủy canh là phương pháp trồng rau không cần đất như cách làm truyền thống và có khả năng thích nghi dễ dàng với các điều kiện trồng khác nhau, có thể trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng và các giá thể khác không phải là đất, chẳng hạn như: cát, xốp, trấu, vỏ xơ dừa…

“Chúng tôi lựa chọn cách trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng, hàm lượng dinh dưỡng được kiểm tra hàng ngày. Cách làm này giúp cây phát triển tương đối tốt, độ đồng đều cao, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Thêm vào đó, vì được trồng trong môi trường nhà kính nên rau được cách ly với môi trường nhiễm bẩn, không bị các côn trùng phá hại, cây phát triển nhanh hơn so với cách làm truyền thống. Không chỉ thời gian thu hoạch nhanh mà gia đình không phải sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào”, chị Hòa chia sẻ thêm.

Từ loanh quanh trong xóm, những bó rau sạch thủy canh của chị Hòa “tiến” ra chợ quê và vươn xa đến các xã lân cận.  Đến nay, những sản phẩm này đã được nhiều người biết đến và là đầu mối cung cấp rau tại một số chợ trung tâm của huyện Đức Linh và một số cửa hàng rau sạch tại TP. Hồ Chí Minh. Mỗi tháng, vườn rau sản xuất và cung ứng khoảng 600  - 700 tạ rau các loại. Với sản lượng tiêu thụ ổn định, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng vườn rau của gia đình chị Hòa thu lợi nhuận bình quân từ 15 - 20 triệu đồng.

Là khách hàng thường xuyên từ khi có nguồn rau thủy canh, chị Bùi Thị Lượng (xã Vũ Hòa) phấn khởi kể: Mỗi lần đi chợ là tôi luôn lo lắng rau còn chất kích thích; để lâu một chút là bị hư hỏng. Từ ngày dùng rau thủy canh, tôi rất yên tâm, rau xanh nhưng không mướt mát, để cả tuần cũng không sao; giá rau không đắt, lại ngon nên tôi mua về cho gia đình ăn”.

 Liên kết để tăng giá trị

Hiệu quả của mô hình trồng rau thủy canh quá rõ, “thừa thắng xông lên”, chị Hòa tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích lên 600m2 và hoàn thiện hệ thống thủy canh để đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Mặt khác, chị chia sẻ cách làm và liên kết với những người trồng rau trong vùng thành lập Hợp tác xã (HTX) rau Tiến Phát với mục tiêu xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân trong HTX. Tháng 9/2019, HTX rau Tiến Phát ra đời, không chỉ chuyên sản xuất kinh doanh các loại rau thủy canh mà HTX còn tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm của các thành viên để cung cấp cho thị trường. Đến nay, HTX có 9 thành viên với diện tích rau thủy canh khoảng hơn 1.400m2.

Chị Nguyễn Bảo Hân, thành viên HTX rau Tiến Phát cho biết: Trước đây khi làm riêng lẻ, rau sau khi thu hoạch gia đình tôi mang ra chợ bán lẻ và bỏ mối cho những người bán rau tại chợ; giá cả bấp bênh và lượng tiêu thụ rất ít. Từ khi tham gia HTX, giá trị của những sản phẩm được nâng lên, tiêu thụ ổn định, nhờ đó thu nhập cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, vì trồng rau sạch và tiêu thụ ở những thị trường khó tính nên đòi hỏi chúng tôi phải đảm bảo quy trình sản xuất nghiêm ngặt, không sử dụng thuốc thực vật…

Với phương châm đẩy mạnh liên kết, tạo ra vùng sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất cây trồng và đặc biệt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, HTX thường xuyên mở các buổi tham quan, chuyển giao mô hình trồng rau thủy canh sạch cho các bạn trẻ khởi nghiệp, nông dân… trong và ngoài tỉnh.

Với kinh nghiệm trồng rau thủy canh, theo chị Hòa, với cách trồng trong nhà kính nông dân có thể gạt đi sự lo ngại về thời tiết, sâu bệnh. Ở Đức Linh có đủ khả năng hình thành những vườn rau sạch quy mô lớn và phát triển không thua kém gì ở Đà Lạt hoặc các tỉnh có thời tiết mát mẻ khác. Và đó cũng là mục tiêu mà HTX đang hướng tới.

Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa, cho biết: Đây là mô hình mới nhưng  mang lại hiệu quả tích cực. Để nhân rộng cách làm hiệu quả này, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi một số hộ dân cũng có nhu cầu cùng tham gia sản xuất ra nhiều sản phẩm rau sạch, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương.

Ngọc Diệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình trồng rau thủy canh ở Đức Linh