Khi “bạn ảo” trở thành cơn ác mộng thật
Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay là việc các đối tượng xấu tạo dựng hình ảnh giả mạo để tiếp cận, lừa gạt trẻ em. Chúng có thể giả dạng là người nổi tiếng, “hot TikToker”, game thủ chuyên nghiệp hoặc thậm chí là học sinh giỏi với bảng thành tích ấn tượng. Mục tiêu là khiến trẻ tin tưởng, ngưỡng mộ và chủ động kết bạn. Các đối tượng xấu còn sử dụng thủ đoạn bằng cách nhắn tin, chia sẻ sở thích, tham gia chơi game cùng trẻ, thậm chí tỏ ra là người tâm lý, biết lắng nghe. Trẻ em, trong sự háo hức kết bạn và mong muốn được công nhận, rất dễ rơi vào cảm giác được thấu hiểu và coi người kia là “bạn thân thật sự”.

Khi mối quan hệ dần trở nên thân thiết, các đối tượng bắt đầu dụ dỗ trẻ chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân nhạy cảm. Lúc này, chúng không yêu cầu một cách trực tiếp mà thường khơi gợi bằng những lời hứa hẹn như: Tặng quà trong game, nạp tiền tài khoản, hay thậm chí gợi ý xây dựng một “tình yêu bí mật” chỉ hai người biết. Lợi dụng lòng tin của trẻ, chúng khéo léo đưa ra những đề nghị gửi ảnh hoặc video riêng tư. Nhiều trường hợp, chính kẻ xấu sẽ gửi ảnh trước để khiến trẻ cảm thấy “bình thường” và không cảnh giác.
Khi đã có được tài liệu nhạy cảm trong tay, chúng nhanh chóng trở mặt. Những lời nói dịu dàng được thay bằng đe dọa, khủng bố tinh thần: Nếu trẻ không tiếp tục gửi thêm ảnh, không chuyển tiền hay không làm theo yêu cầu, chúng sẽ phát tán hình ảnh lên mạng xã hội, gửi cho bạn bè, thầy cô hoặc bố mẹ. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn còn bị ép tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, gây hậu quả khó lường. Những hành vi lạm dụng trẻ qua môi trường mạng không chỉ là sự xâm hại nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ, quyền riêng tư và sự phát triển lành mạnh của trẻ em, mà còn để lại những vết thương sâu sắc về tâm lý. Trẻ bị lừa gạt, đe dọa thường rơi vào trạng thái lo âu, sợ hãi, mất niềm tin vào người lớn. Có em trở nên trầm cảm, tự cô lập bản thân, thậm chí tìm đến hành vi tự làm hại bản thân khi không tìm được lối thoát. Điều này đặt ra một lời cảnh báo nghiêm túc đối với toàn xã hội: Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không chỉ là nhiệm vụ của riêng cá nhân hay gia đình nào, mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.
Chủ động phòng ngừa – Bảo vệ trẻ từ sớm
Trước thực trạng đáng báo động, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Bình Thuận đã đưa ra những khuyến cáo thiết thực nhằm phòng tránh nguy cơ trẻ em bị xâm hại qua môi trường mạng.
Trước hết, gia đình cần đóng vai trò là “lá chắn” đầu tiên. Cha mẹ nên đồng hành cùng con trong quá trình sử dụng mạng, không chỉ kiểm soát thời gian và nội dung truy cập mà còn cần quan tâm đến cảm xúc và các mối quan hệ ảo của con. Việc thường xuyên trò chuyện, xây dựng lòng tin với con cái sẽ giúp các em dễ dàng chia sẻ nếu có điều bất thường xảy ra.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống và an toàn mạng thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, tiết học ngoại khóa. Trẻ em cần được dạy cách nhận diện các hành vi lừa đảo, xâm hại; biết cách từ chối, chặn và báo cáo người lạ có hành vi không phù hợp trên mạng. Ngoài ra, để giảm sự phụ thuộc vào không gian mạng, gia đình và các đoàn thể nên tạo ra nhiều hoạt động ngoại khóa, sân chơi lành mạnh cho trẻ như thể thao, văn nghệ, câu lạc bộ sở thích… Khi được sống trong môi trường tích cực, có người thân quan tâm, bạn bè đồng hành, trẻ sẽ ít tìm đến các mối quan hệ ảo để bù đắp khoảng trống. Khi phát hiện có dấu hiệu trẻ bị dụ dỗ, bị tống tiền qua mạng, người lớn cần bình tĩnh, không trách mắng hay gây áp lực khiến trẻ sợ hãi. Thay vào đó, hãy động viên các em chia sẻ trung thực và nhanh chóng trình báo sự việc với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, bảo vệ kịp thời.
Bảo vệ trẻ em khỏi những cạm bẫy vô hình trên mạng không thể chỉ dựa vào phần mềm kiểm soát hay lời nhắc nhở qua loa. Điều quan trọng nhất là trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng và sự tự tin để tự bảo vệ bản thân – và điều đó chỉ có thể đạt được khi người lớn thực sự quan tâm, đồng hành và chia sẻ cùng các em.