Từ ngày chồng mất, 4 mẹ con bà Nguyễn Thị Nhi (thôn Tiến Hòa, xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết) như mất đi chỗ dựa tinh thần. Nhà chẳng có ruộng nương, làm thuê cũng chỉ đủ ngày 3 bữa. Rồi “chiếc cầu hạnh phúc” của con gái lớn bỗng gãy ngang, căn nhà nhỏ mấy năm nay lại phải “cõng” thêm 2 suất nữa. Cứ thế, cái khó cứ bám riết không thôi. Bao năm đội nắng, đội mưa, chân không ngừng bước, sang tuổi 58 bệnh tật bủa vây bà Nhi cũng là điều dễ hiểu. Nhưng mỗi lần đau nhức bà cứ lần lữa, ráng chịu cho qua vì tiền khám, tiền thuốc không biết lấy đâu ra. Biết được hoàn cảnh của bà Nhi và nhiều người cùng cảnh ngộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tiến Thành đã vận động cán bộ, hội viên và mạnh thường quân cùng đóng góp để tặng thẻ BHYT cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Tặng thẻ BHYT cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn
“Khi đã ốm đau, bệnh nặng, nếu không có tấm thẻ BHYT, thì có tiền núi cũng lở. Nhưng để mua một lúc cho nhiều thành viên và thời gian dài thì với gia đình có hoàn cảnh khó khăn đó là cả một vấn đề nan giải. Bởi thế Hội LHPN xã đã triển khai việc tặng thẻ BHYT cho phụ nữ từ nhiều năm nay. Tính riêng năm 2020, hội đã tặng 642 thẻ BHYT, thời hạn 3 – 6 tháng, với tổng trị giá trên 110 triệu đồng cho các chị”, bà Trần Thị Sang – Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Thành cho biết.
Không chỉ vận động từ bên ngoài, thời gian qua chính sách BHYT toàn dân được các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở triển khai bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, coi đó là một nội dung thực hiện nhiệm vụ chăm lo quyền và lợi ích cho phụ nữ và trẻ em. Trong đó, hội rà soát, nắm bắt tình hình hội viên phụ nữ chưa tham gia BHYT, vận động các chi hội, hội viên tiết kiệm chi tiêu mua BHYT cho người thân, gia đình. Chủ động phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động, đối thoại chính sách, pháp luật về BHYT. Ngoài ra hội phụ nữ các cấp còn ký kết nhận làm đại lý thu BHYT tại địa phương. Chính các đại lý đã hoạt động rất tích cực, “đi từng nhà, rà từng người” không quản ngại trưa, tối để vận động hội viên và người dân mua thẻ BHYT.
Theo đánh giá của các cơ sở hội, từ những nguồn quỹ mua thẻ như thu gom phế liệu, rác thải nhựa, hay góp vốn tiết kiệm, kêu gọi hỗ trợ đã giúp cho rất nhiều chị em được chữa bệnh kịp thời, tiết kiệm chi phí. Như tại xã Nghị Đức, Bắc Ruộng (Tánh Linh) đã hỗ trợ hơn 150 thẻ BHYT trị giá gần 300 triệu đồng/năm cho gia đình hội viên, phụ nữ. Còn tại huyện Tuy Phong, cũng nhờ có “bàn tay” phụ nữ, tính đến nay số người dân trên địa bàn huyện tham gia BHYT là 130.693 người, đạt 89,61%.
Việc tặng thẻ BHYT cho hoàn cảnh khó khăn của hội phụ nữ đã và đang được cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá cao. Đây là giải pháp giúp đỡ hội viên và gia đình họ có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Qua đó góp phần hoàn thành một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới và thiết thực hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân.
T.Anh