Theo dõi trên

Mong chờ tuyến đường nối cao tốc – Phan Thiết

28/11/2024, 05:40

Bình Thuận đã đón được 10 triệu lượt khách trong năm 2024, đó là tín hiệu vui cho ngành du lịch. Bên cạnh “công lớn” của ngành chủ lực thì nhiều sở, ngành và các địa phương cũng đóng góp không nhỏ, nhất là TP. Phan Thiết.

duong-le-duan-phan-thiet-anh-n.-lan-.jpg
Lê Duẩn đang là tuyến đường rất đẹp ở Phan Thiết, nếu được nối với cao tốc sẽ giúp ngành du lịch phát triển hơn.

Trong thời gian qua, TP. Phan Thiết đã đầu tư mở rộng nhiều tuyến đường nhằm chỉnh trang đô thị như Trần Quý Cáp, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu... Tạo nên hình hài thành phố du lịch hiện đại thông thoáng và có hiệu ứng trong thu hút khách du lịch. Để TP. Phan Thiết và ngành du lịch ngày càng phát triển hơn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các sở ngành liên quan tham mưu để mở tuyến đường nối cao tốc – Phan Thiết.

Hiện nay, để vào trung tâm TP. Phan Thiết, các phương tiện lưu thông ở các tỉnh phía Nam từ đường bộ cao tốc phải vào QL1A – Mỹ Thạnh có chiều dài khoảng 2,6 km, mặt đường 4 làn xe cơ giới, xe máy lưu thông chung làn xe cơ giới, sau đó mới tiếp tục lưu thông theo quốc lộ 1A khoảng 13 km vào trung tâm TP. Phan Thiết. Từ khi tuyến cao tốc đưa vào khai thác, khu vực nút giao Ba Bàu và nút giao - QL 1A thường xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông nghiêm trọng, nhất là các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết. Mặt khác, hiện nay trên tuyến QL1A - Mỹ Thạnh và QL1A lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn. Hiện trạng nhà dân sinh sống 2 bên tuyến rất đông đúc, tốc độ lưu thông trên 2 tuyến chủ yếu dưới 60 km/giờ nên với khoảng cách chỉ 16 km nhưng thời gian lưu thông mất hơn 30 phút, nếu xảy ra tình trạng kẹt xe có khi mất cả tiếng đồng hồ, gây tâm lý khó chịu cho người dân và du khách khi điều khiển phương tiện lưu thông trên tuyến. Do đó, việc đầu tư tuyến đường kết nối từ đường bộ cao tốc vào đường Lê Duẩn, hình thành tuyến đường với vai trò cửa ngõ vào trung tâm thành phố là rất cần thiết. Từ đây các tuyến đường đô thị thuộc trung tâm thành phố sẽ kết nối đường ven biển ĐT.716 và ĐT.706B để di chuyển đến cảng hàng không Phan Thiết và các khu đô thị biển Hàm Tiến, Mũi Né... mở ra không gian phát triển mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là ngành du lịch.

Theo Sở Giao thông Vận tải, tuyến đường có 2 phương án xây dựng nhưng phương án 1 có ưu điểm hơn. Dự kiến tuyến đường có điểm đầu Km0+000 ngã tư giao đường Lê Duẩn với đường Trường Chinh (QL.1) thuộc phường Phú Tài, TP. Phan Thiết. Điểm cuối Km11 + 200 giao với đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km225 + 160 thuộc xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc. Chiều dài khoảng 11,20 km, tuyến đi qua TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc. Từ điểm đầu Km0+00 tại ngã tư giao đường Lê Duẩn với đường Trường Chinh (QL1A), tuyến theo tim vỉa hè bên trái đường cũ (sẽ là dải phân cách giữa của tuyến đường) và đi thẳng đến Km1+500, tuyến ngoặt phải để tránh ảnh hưởng của sông Cà Ty, sau đó tuyến đi song song đường sắt Mương Mán - TP. Phan Thiết và giao cắt với đường sắt Mương Mán - TP. Phan Thiết tại Km3 + 680. Tiếp tục tuyến đi về bên trái của hồ Cẩm Hang và cách mép hồ khoảng 770 m để tạo quỹ đất phát triển đô thị và thương mại dịch vụ, đồng thời không ảnh hưởng đến khu ga Phan Thiết đường sắt tốc độ cao dự kiến và giao cắt đường sắt Bắc - Nam hiện hữu tại khoảng Km9 + 179. Cuối tuyến giao với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km225+160 bằng nút giao khác mức liên thông.

Với tầm quan trọng của tuyến đường là vai trò cửa ngõ vào trung tâm thành phố, khi tuyến đường hình thành dự kiến nhu cầu vận tải qua tuyến đường này sẽ tăng cao trong tương lai. Tuyến đường sẽ giảm áp lực giao thông cho tuyến đường bộ hiện hữu, giảm tình trạng kẹt xe, thêm nhiều lựa chọn hơn cho người dân, du khách khi đến với TP. Phan Thiết. Quy mô mặt cắt ngang tuyến đường đề xuất có nghiên cứu đến việc dành quỹ đất dự trữ trong phạm vi dải phân cách giữa để đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt nhẹ đô thị (Light Rail Transit – LRT ) là phương tiện giao thông chạy bằng điện, được mệnh danh là phương tiện “giao thông xanh”, bởi không xả khí thải carbon ra môi trường. Đây là phương tiện giao thông tốc hành, có khả năng thúc đẩy và kết nối với các phương tiện giao thông đường bộ khác, thuận tiện trong di chuyển, đồng bộ với tuyến đường bộ trong tương lai.

Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, quy mô mặt cắt ngang tuyến đường rộng 79 m, bao gồm: Phần đường xe chạy (12 làn xe), dải an toàn, dải phân cách và vỉa hè; riêng dải phân cách giữa bố trí quỹ đất đủ để đầu tư tuyến đường sắt nhẹ đô thị chạy trên cao (tàu chạy trên cầu) trong tương lai. Tổng mức đầu tư tuyến đường khoảng 4.200 tỷ đồng.

Tuyến đường nối cao tốc – Phan Thiết là niềm mong chờ không chỉ của người dân Bình Thuận mà cả hàng triệu khách du lịch. Bởi khi tuyến đường hình thành sẽ rút ngắn được khoảng thời gian cho xe lưu thông từ các tỉnh, thành đến Phan Thiết, mở ra cảnh quan đẹp cho thành phố du lịch Phan Thiết. Đồng thời giảm tải nạn kẹt xe, nhất là tránh được các vụ va chạm khi lưu thông qua từ cao tốc qua tuyến Ba Bàu...

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025
BTO-Sáng 26/11, UBND thành phố Phan Thiết tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 1253/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2023 - 2025.
Nổi bật
Thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội
Quốc hội khóa XV vừa họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 vào chiều 30/11. Để cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin của kỳ họp, đồng thời theo dõi hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa XV.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mong chờ tuyến đường nối cao tốc – Phan Thiết