Chông chênh Suối Ná...
Từ quốc lộ 55 đi theo con đường bê tông thông thoáng, rẽ vào ngã ba xóm Dầu Cộng, rất dễ bắt gặp hình ảnh chiếc cầu nhỏ chông chênh trên ghềnh đá. Nó có tên là cầu Suối Ná.
Ông Trần Xoài, người từng gắn bó rất nhiều tại địa phương nhìn nhận: “Cái cầu đó lâu lắm rồi. Dễ chừng đã ngót 20 năm, bây giờ trên bản đồ địa chính người ta gọi Suối Ná, thật ra trước đây nó còn cái tên khác là Dầu Cộng”.
Có ít nhất 100 hộ dân có đất sản xuất bên kia cầu. Vì thế, mỗi ngày họ đi lại, chăn dắt vật nuôi như một lối quen thuộc của bà con trong làng. Cầu Suối Ná – gọi là cầu nhưng đơn sơ chỉ là mấy trụ bê tông đúc cao cách mặt nước khoảng độ 5m. Mặt sàn cầu là những tấm bê tông ghép lại. Chẳng có thành cầu, nên chỉ cần sơ hở một chút, bất cẩn một chút là có thể rơi xuống khe suối. Mùa này nước từ núi Nhọn hay đổ về bất chợt.
Đưa tôi đi vào bên trong khu vực cầu Suối Ná, ông Nguyễn Văn Thi – Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Láng Gòn 2 nói: “Đây là con đường huyết mạch của bà con đi lại hàng ngày để vào nơi trồng trọt, sản xuất. Thậm chí, đi sâu vào bên trong còn là nơi chôn cất của nhiều gia đình có đất rẫy, nên mật độ đi lại khá đông đúc. Trước đây, bà con cũng có mong muốn sửa chữa lại cây cầu hoặc nâng cấp cho chắc chắn, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại nhưng có lẽ còn nhiều khó khăn nên chưa thực hiện được. Cầu Suối Ná có bề rộng chừng 1m nên việc đi lại rất nguy hiểm và khó khăn, nhất là mùa mưa này cho đến hết tháng 10.
Người dân thôn Láng Gòn 2 một lần nữa đề xuất với niềm mong mỏi rằng cầu Suối Ná được làm lại, được an toàn hơn cho người dân, vì sự tồn tại của nó ở vùng đất sản xuất này ngót nghét 20 năm ròng rã. Lãnh đạo UBND xã Tân Xuân cũng chia sẻ: “Thực tế đây là ước muốn của bà con lâu nay, nhưng không có kinh phí để có thể sửa chữa hoặc nâng cấp. Trước đây, cũng có đơn vị tính toán tài trợ sửa chữa nhưng do không đủ kinh phí nên đã dừng lại mấy năm nay.
Cuốn trôi
Nếu như thôn Láng Gòn 2 có cầu Suối Ná, thì ở Láng Gòn 1 bên trong khu đất canh tác của người dân vùng này cũng có cảnh tương tự. Nhưng may mắn hơn vì cầu bắc qua đập Suối Đá được trang trại chăn nuôi xây dựng để thuận lợi hơn trong việc vận chuyển hàng hóa. Tuy có bề rộng hơn cầu Suối Ná, nhưng cầu bê tông bắc qua đập Suối Đá lại thấp hơn nhiều. Người dân sống gần đó nhiều phen chứng kiến khi nước trên thượng nguồn đổ về, che lấp mất cả mặt cầu, đi lại rất nguy hiểm.
Bà Phan Thị Hằng (thôn Láng Gòn 1), cho biết: “Mùa này ngập hoài, sáng mới ngập nữa. Nhưng ai quen thì không sao, chứ lại không khéo là trôi luôn xe máy. Cách đây chừng 2 năm, trong xóm có cô bị trôi cả xe và người, tử vong”. Đập Suối Đá không cao như cây cầu ở Láng Gòn 2, nhưng chính vì bên dưới đá tảng lởm chởm cộng với lực chảy của nước trên thượng nguồn đổ về rất xiết nên chỉ cần sơ sẩy là trôi theo. Mỗi khi mưa lớn là y như rằng đập Suối Đá sẽ bị dòng nước khỏa lấp.
Ông Trần Đình Thục sống ở khu vực này suốt mấy mươi năm kể rằng, lúc không mưa không ngập thì bình thường. Nhưng khi trời mưa lớn, nhất là tháng này trở đi, sáng có thể ngập rồi rút, khi có mưa lại ngập. Dân ở đây thì quen rồi, chứ người lạ dễ bị lắm.
Chính vì sự nguy hiểm này, mà trước đây Tỉnh đoàn Bình Thuận đã gắn biển công trình cảnh báo độ nguy hiểm để bà con thận trọng và cảnh giác khi qua lại khu vực này, nhất là trẻ em. Vì xung quanh khu vực cầu ở đập Suối Đá cũng không có thành cầu che chắn, rất dễ xảy ra tai nạn. Thời điểm này, mùa mưa nên rác trên thượng nguồn theo con nước đổ xuống. Mặt cống ở đập Suối Đá không lớn nên việc tắc nghẽn cũng thường xuyên xảy ra nên nước ùn ứ tràn lên cầu như dòng suối.
Tháng 7, tháng của những cơn mưa rừng bất chợt. Tháng của dòng nước trên thượng nguồn cứ tuôn đổ dồn dập. Nắng mưa cũng giống như công cuộc mưu sinh của người nông dân, chẳng thể dừng lại. Thế nhưng, mong mỏi còn vẹn nguyên sau chừng ấy thời gian. Những cây cầu cũ kỹ, xói mòn bởi thời gian, có đoạn trơ ra những lõi sắt rỉ sét, chơ vơ sau 1 trận mưa như muốn kêu rằng: “Tôi cần được xây dựng!”.