Theo dõi trên

Gia đình, trường học chung tay phòng bệnh tay chân miệng

22/05/2025, 05:26

Số ca mắc tay chân miệng tại Bình Thuận không cao. Tuy nhiên, phần lớn ca mắc xuất phát tại nhà, trường học và trách nhiệm phòng dịch không chỉ đặt lên ngành y tế, mà cần có sự phối hợp đồng bộ từ gia đình đến cơ sở giáo dục để bảo vệ sức khỏe trẻ.

kham-tcm.jpg
Khám bệnh tay chân miệng. (Ảnh minh họa)

135 ca tay chân miệng, chủ yếu xảy tại nhà

Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận tổng cộng 135 ca mắc bệnh tay chân miệng. Số ca bệnh phân bố rải rác các địa phương. Cụ thể, La Gi hiện với số mắc cao nhất tỉnh 28 ca; tiếp theo, Phan Thiết 27 ca. Các huyện như Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân ghi nhận lần lượt 16 và 15 ca, Phú Quý vẫn chưa phát hiện ca bệnh nào. Điểm nổi bật, 114 ca trong tổng số 115 ca bệnh xảy ra tại nhà. Trong khi đó, số ca mắc tại trường học tuy chiếm tỷ lệ thấp hơn. Có 21 ca ghi nhận ở trường học và nhà trẻ, chủ yếu là ở lứa tuổi mẫu giáo và mầm non

Phân tích sâu hơn cho thấy nhóm trẻ từ 1 đến dưới 3 tuổi là có nguy cơ cao nhất với 88 ca, chiếm đến 65,2% tổng số ca mắc. Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, khả năng tự chăm sóc chưa có, hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường. Nhóm tuổi từ 3 đến 5 tuổi cũng ghi nhận 27 ca, tương ứng 20% tổng số ca mắc. Trong khi đó, trẻ dưới 1 tuổi chiếm 11,9% (16 ca) và trên 5 tuổi chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp – 2,9% (4 ca). Điều này phản ánh tính đặc thù của bệnh tay chân miệng, vốn lây qua đường tiêu hóa – tiếp xúc – thường bùng phát ở lứa tuổi mầm non. Bộ Y tế cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa, xuất hiện ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố. Số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và tháng 9-10 hàng năm.

Phòng bệnh từ gia đình đến trường học

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Bình Thuận chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện đẩy mạnh hoạt động giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, xử lý triệt để, không để dịch lan rộng. Đồng thời, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh; chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện và nhân lực cho công tác phòng, chống dịch. Các đội chống dịch cơ động cần được củng cố, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cần được triển khai, phổ biến các biện pháp phòng bệnh phù hợp với từng nhóm trẻ. Các đơn vị y tế cũng cần phối hợp với ngành giáo dục để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục, nhất là tại nhà trẻ và trường mẫu giáo. Các cơ sở giáo dục phải trang bị đầy đủ xà phòng, nước sạch và bố trí nơi rửa tay thuận tiện cho trẻ em và người chăm sóc. Đồng thời, thực hiện vệ sinh lớp học, khử khuẩn đồ chơi, bàn ghế hằng ngày và kịp thời phát hiện, thông báo các ca bệnh cho cơ quan y tế để xử lý nhanh chóng.

Bác sĩ chuyên khoa II - Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh khuyến cáo người dân: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh qua đường tiêu hóa; giữ gìn vệ sinh môi trường sống, đảm bảo đồ chơi, vật dụng sinh hoạt của trẻ em luôn sạch sẽ. Theo dõi sức khỏe của trẻ nhỏ, nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng (sốt, nổi bóng nước ở tay, chân, miệng...), cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chó thả rông mắc bệnh dại cắn người tại phường Lạc Đạo.
BTO-Chiều 31/3, thông tin từ UBND phường Lạc Đạo (Tp. Phan Thiết) cho biết, địa bàn phường ghi nhận 1 con chó thả rông mắc bệnh dại cắn người.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia đình, trường học chung tay phòng bệnh tay chân miệng