Sông Cà Ty, đoạn chảy qua TP Phan Thiết hiện đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Báo QĐND |
Chẳng biết điều ấy có đúng không, nhưng với Phan Thiết dòng sông Cà Ty đúng là “của trời cho”, tạo phong thủy tốt, cảnh vật hữu tình cho thành phố. Dòng sông chảy giữa lòng, chia thành phố ra làm 2 mảnh: khu thương mại phía Nam, khu hành chính phía Bắc. Chỉ trên một đoạn ngắn có đến 3 chiếc cầu bắc qua sông, hợp với tháp nước, Trường Dục Thanh thành một không gian quần thể hài hòa. Không chỉ người dân Phan Thiết rất gắn bó với dòng Cà Ty, mà hàng triệu du khách tới đây cũng rất ấn tượng với dòng sông lúc vơi lúc đầy này. Đã có đề án Cititour tổ chức tham quan thành phố bằng đường sông, nhưng chưa thực hiện được.
Chính vì vậy khi đọc bài báo “Ô nhiễm kéo dài ở sông Cà Ty” trên báo Quân đội Nhân dân – một tờ báo phát hành cả nước, nhiều người không khỏi trăn trở, lo lắng. Tác giả phản ánh: Tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông Cà Ty đã diễn ra nhiều năm nay. Cứ vào khoảng 2 – 3 giờ khi thủy triều rút, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Cũng vì ô nhiễm nặng nên mùa mưa muỗi xuất hiện nhiều, khiến lượng người bị sốt xuất huyết gia tăng. Không chỉ các hộ dân ở phường Đức Thắng mà các hộ dân sống ven sông ở phường Phú Trinh, Bình Hưng, Đức Long (dài hơn 4,5 km) cũng trong tình trạng bị ô nhiễm tương tự.
Công bằng mà nói sau nhiều đợt giải tỏa di dân, chỉnh trang đô thị, hạ nguồn sông Cà Ty đã thông thoáng hơn. Trước đây từ cầu Trần Hưng Đạo đổ ra cửa biển Cồn Chà là xóm nhà chồ san sát, làm tắc nghẽn dòng chảy và ô nhiễm nặng nề. Nay những ngư dân xóm nhà chồ lụp xụp xưa đã ổn định trên khu tái định cư Văn Thánh, hai bên bờ sông đã xây dựng bờ kè khang trang, với những con đường, dãy phố sầm uất và hiện đại. Đó là một đổi thay lớn của thành phố biển này.
Nhưng cùng với tốc độ đô thị hóa, dòng sông Cà Ty ngày càng bị ô nhiễm nặng. Nhất là đoạn 4,5 km sông chảy qua 4 phường Đức Thắng, Phú Trinh, Bình Hưng, Đức Long, phải hứng chịu nước thải, rác thải sinh hoạt, vỏ sò, xà bần của các hộ dân, các tàu thuyền, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và chế biến hải sản. Thành phố đã hợp đồng với Công ty Công trình đô thị cử đội công nhân thường xuyên chèo thuyền vớt rác trên sông nhưng không xuể.
Đoạn sông đối diện Trường Dục Thanh và Khu di tích Bác vẫn còn xóm nhà chồ lụp xụp, chưa giải tỏa để xây dựng bờ kè, nên nhìn khá nhếch nhác, phản cảm. Ở chân cầu Dục Thanh người dân cạy sò, ốc đổ vỏ bừa bãi, bồi lấp cả một đoạn sông.
Đặc biệt, nhiều năm rồi vì thiếu kinh phí nên dòng sông chưa được nạo vét, nên khi thủy triều rút thì bùn nổi lên kèm theo mùi hôi thối nồng nặc.
Vấn đề là TP. Phan Thiết đã kiên quyết mạnh tay bảo vệ dòng sông của mình chưa? Đã có người dân nào bị phạt vì đổ rác xuống sông chưa? Đã có cơ sở sản xuất nào bị phạt vì xả thải xuống sông chưa? Đã có phường nào bị phê bình vì đoạn sông qua phường bị ô nhiễm nặng? Nếu vẫn chỉ tuyên truyền suông thì chẳng ăn thua gì. Trong khi chờ có kinh phí nạo vét lòng sông, đó là những việc mà thành phố hoàn toàn có thể làm được.
Khắc phục được ô nhiễm, nạo vét lòng sông, xây dựng bờ kè các đoạn còn lại, thì sông Cà Ty không chỉ tôn thêm vẻ đẹp cho Phan Thiết, mà còn tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới trên chính dòng sông này. Với một thành phố du lịch, thì một bãi biển đẹp, một con sông xanh và sạch, đều có thể hái ra tiền.
Được biết trong tháng 3 này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An sẽ đi khảo sát tình hình vệ sinh môi trường và khai thác cát trên sông Cà Ty, để có chủ trương cho vấn đề này.
Đ.D