Theo dõi trên

Chuyện làm ăn: Làm nông kiểu 5 nhà

09/05/2025, 05:05

Hôm trước tôi về Bắc Bình nghe bà con bàn chuyện vay vốn để làm vụ mùa. Anh Vòng A Sín ở Chợ Lầu bảo làm lúa dạo này cực hơn trước rất nhiều bởi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc để hưởng nguồn giảm thải các – bon đến thực hiện cánh đồng không dấu chân, áp dụng quy trình SRI rồi doanh nghiệp thu mua lúa yêu cầu lúa phải đạt độ chín trên 95%...

canh-dong-lua-o-lac-tanh-tanh-linh-anh-n.-lan-1-.jpg
Cánh đồng SRI ở Tánh Linh.

Nghe anh Sín nói tôi thấy rối nên điện thoại hỏi anh Mai Trí Mân – Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường Tánh Linh vì nơi này là vựa lúa của tỉnh. Anh Mân cho hay, dân họ nói đúng và tùy nơi áp dụng. Muốn bán lúa giá cao phải áp dụng nghiêm ngặt các khâu tổ chức sản xuất. Làm lúa hiện nay không chỉ liên kết 3 nhà mà phải 5 nhà nên mới nghe thấy rối là phải rồi.

Anh Mân lý giải ở Tánh Linh, 3 năm trở lại đây đã thực hiện mô hình liên kết 5 nhà trong sản xuất nông nghiệp, nhất là mô hình ở vùng lúa chất lượng cao. 5 nhà gồm: Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà bank – nhà khoa học – nhà nông. Phân tích nôm na là Nhà nước định hướng, chỉ đạo sản xuất; doanh nghiệp là đơn vị thu mua sản phẩm, cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...; nhà khoa học là đơn vị nghiên cứu, cung cấp kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ nông dân và cung ứng giống có nhiều ưu điểm tạo ra sản phẩm được thị trường ưa chuộng và tạo lãi cao cho nông dân; nhà bank là ngân hàng hoặc tổ chức tài chính cho nông dân, doanh nghiệp vay vốn để sản xuất – kinh doanh và cuối cùng nông dân là chủ thể sản xuất trên cánh đồng.

Trên cánh đồng Tánh Linh, hiện nay mỗi vụ sản xuất khoảng 11.000 ha, chủng loại giống lúa sản xuất trên đồng ruộng chủ yếu là OM4900, OM5451, OM18, ML202 của Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Cửu Long 666, Hương Cửu Long của Công ty cổ phần Giống cây trồng Cửu Long... Trong đó giống lúa OM5451 của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đang được sản xuất khoảng 80% diện tích. Sở dĩ nông dân Tánh Linh sản xuất giống lúa OM5451 nhiều trên cánh đồng vì qua quá trình sản xuất các giống lúa khác nhau, OM5451 có ưu điểm hơn và được thị trường ưa chuộng, sản xuất có lãi hơn các giống lúa khác nên được trồng rộng rãi hơn.

Quay lại việc liên kết, để có giống lúa OM5451 đem về gieo trồng, UBND huyện Tánh Linh đã kiên trì thực hiện xã hội hóa giống lúa trong nhiều năm. Phòng Nông nghiệp và Môi trường phải đi tìm hiểu nhiều mô hình trình diễn của các viện nghiên cứu giống lúa. Sau đó ký kết hợp tác với các viện lúa, công ty để kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn quy trình sản xuất và qua nhiều công đoạn khác mới chắt lọc được giống lúa gieo trồng đại trà như hiện nay...

Ở Tánh Linh, hiện nay nhiều HTX, nông dân đã ký kết với một số doanh nghiệp thu mua lúa để sản xuất lúa theo đơn đặt hàng. Nhiều diện tích lúa được sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng quy trình SRI trong canh tác (SRI là phương thức canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu tư vào giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Mô hình có năng suất đạt bình quân 75 tạ/ha (cao hơn 5 tạ/ha so với sản xuất truyền thống), theo giá thị trường thu mua từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, thu nhập từ mô hình chênh lệch cao hơn so với sạ thông thường khoảng 4 - 5 triệu đồng/ha. Với doanh nghiệp có được hạt lúa sạch sẽ dễ dàng đưa gạo ra thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đây lợi nhuận sẽ tăng lên nên cả đôi bên đều có lợi.

Nếu các mô hình liên kết nhà khoa học, nhà doanh nghiệp đang ngày càng rõ nét thì nhà bank là khâu then chốt bởi cả nông dân và doanh nghiệp đều cần vốn để sản xuất kinh doanh. Việc chọn nhà bank tưởng đơn giản nhưng trên thực tế hiện nay ngoài Ngân hàng Nông nghiệp – PTNT thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp (Nghị định 55 của Chính phủ) thì nhiều nhà bank khác cũng đã về vùng nông thôn để tìm khách hàng. Nếu nông dân, doanh nghiệp chọn nhà bank vay vốn có lãi suất thấp sẽ có lợi rất nhiều nhưng nếu không đủ điều kiện vay ở nhà bank có lãi suất thấp, buộc phải vay ở nhà bank lãi suất cao và biến động sẽ bị ảnh hưởng đến lợi nhuận...

Liên kết 5 nhà để sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nhất là cây lúa sẽ tạo nên động lực cho phát triển bền vững...

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai trong cộng đồng
Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đã tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thiên tai, cứu trợ đột xuất, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng an toàn.
Nổi bật
Trải nghiệm nghề hái điều
Sáng tinh mơ, chúng tôi theo chân bác Phi - người nông dân có gần 3 thập kỷ gắn bó với cây điều - bắt đầu một ngày hái điều giữa đất Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Tưởng nhặt hạt điều là việc nhẹ nhàng, hóa ra là hành trình thấm đẫm mồ hôi, nắng gắt và cả tình yêu với đất...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện làm ăn: Làm nông kiểu 5 nhà